Nhà trường tổ chức dạy thêm buổi chiều rồi gửi giấy đăng ký học thêm "tự nguyện" về cho phụ huynh ký tên.
Khi hỏi, thầy cô giải thích rằng buổi sáng không đủ thời gian để dạy hết kiến thức, nên phải dạy thêm vào buổi chiều. Nếu không cho con đi học thêm, các em sẽ bị hổng kiến thức và lạc lõng với bạn bè. Do đó, tất cả học sinh đều phải "tự nguyện" học thêm buổi chiều, nhưng trên thực tế, đây là sự bắt buộc ngầm.
Chi phí học thêm không hề nhỏ. Tiền học thêm một năm thậm chí còn nhiều hơn tổng tiền học phí và các khoản chi phí khác của cả năm học. Ví dụ, nếu tiền học phí và các chi phí khác là 3 triệu đồng mỗi năm, thì tiền học thêm ít nhất cũng là 3 triệu nữa.
Điều này có nghĩa, phụ huynh phải đóng gấp đôi số tiền cho việc học của con, dù muốn hay không. Ngoài học thêm buổi chiều, thầy cô còn tổ chức các lớp học thêm sau giờ học thêm buổi chiều, khiến chi phí càng tăng lên.
Gần đây, có một số bài viết đề cập đến giáo viên có thể kiếm 40-50 triệu đồng mỗi tháng. Nhiều ý kiến cho rằng việc cấm dạy thêm sẽ khiến giáo viên giảm đến 80% thu nhập và cần tăng lương để bù đắp.
Nhưng còn phụ huynh thì sao? Khi bị ép đóng thêm tiền học thêm dù không muốn, họ phải làm gì? Phụ huynh phải làm thêm việc, phải tiết kiệm hơn, thậm chí phải vay mượn để có tiền đóng học cho con.
Học thêm là nhu cầu chính đáng, nhưng cần để học sinh được tự do lựa chọn môn học và giáo viên mà các em muốn theo học, chứ không phải bắt buộc 100% học sinh phải học cả ngày tại trường như tôi vừa trình bày.
Những phụ huynh không có thời gian trông con buổi chiều có thể chọn cho con học các kỹ năng như vẽ, đàn, nhạc, tin học, ngoại ngữ, hay thể thao. Nhà trường có thể phối hợp với giáo viên trong và ngoài trường để mở các lớp học kỹ năng này.
Điều này không chỉ giúp học sinh được phát triển toàn diện mà còn tạo thêm nguồn thu nhập hợp lý cho giáo viên, cả ở các môn chính lẫn các môn phụ.
Nếu được tổ chức hợp lý, phụ huynh sẽ cảm thấy thoải mái hơn, nhà trường và giáo viên cũng được hưởng lợi, trong khi học sinh vẫn đảm bảo phát triển năng lực toàn diện mà không bị ép buộc.
Minh Giang