Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng (ở giữa) trong buổi giao lưu ngày 3/7. Ảnh: Thái Thịnh. |
Chia sẻ chuyện nghề tại lễ vinh danh 140 gương mặt điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tội phạm do Bộ Công an tổ chức, ông Hùng kể, điều tra cái chết thảm của 3 người trong tiệm vàng Ngọc Bích, lực lượng hình sự của tỉnh phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã rà soát hàng nghìn kẻ nghi vấn, tiệm cầm đồ. Gần 200 tiệm vàng được các trinh sát đến tìm hiểu tin tức. Sau 5 ngày, sát thủ Lê Văn Luyện bị bắt tại Lạng Sơn.
Trực tiếp lấy lời khai, thượng tá Hùng giật mình khi thấy thái độ của Luyện. “Bị cả xã hội lên án song Luyện vẫn dửng dưng trước tội ác đã gây ra", vị trưởng phòng kể và cho biết vụ án khiến ông suy nghĩ rất nhiều về tương lai của những đứa trẻ bỏ học sớm để đi làm, không được bố mẹ quan tâm như Luyện.
Tiếp tục kể về vụ án này, ông Hùng bảo khi khám nghiệm hiện trường, nhiều người cũng như cảnh sát phá án đều phán đoán thủ phạm sau khi giết 3 người, cướp lượng lớn vàng đã tẩu thoát bằng cửa ở lan can tầng 3. Song khi bị bắt, Luyện khai rành mạch rằng chỉ chui qua một lỗ nhỏ ở song sắt phía sau nhà khiến ai nấy đều bất ngờ.
Tại buổi vinh danh diễn ra chiều 3/7 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nếu đại tá Nông Văn Định (Phó giám đốc Công an Lạng Sơn) chia sẻ cách hạn chế tội phạm, thượng tá Bùi Thanh Bé (Phó giám thị Công an tỉnh Tiền Giang) nêu bí quyết cảm hóa phạm nhân, thì trung tá Nguyễn Ngọc Công (Trưởng công an phường Trường An, thành phố Huế) lại nhẹ nhàng nêu cách gần dân.
Ông Công chia sẻ, cuộc sống hiện đại với nhiều phương tiện mới, song ở phường Trường An vẫn duy trì cách làm cũ là dùng loa truyền tải đến nhân dân thông tin phòng ngừa tội phạm. Nhờ vậy, số vụ phạm pháp đã giảm rõ rệt. Nếu thời điểm 2009-2011 mỗi năm có khoảng 10-13 vụ trộm cắp trên địa bàn thì nửa đầu năm nay chỉ xảy ra 2 vụ trộm xe.
Vị trung tá được bà con địa phương thân thiết gọi là “Người cảnh sát gần dân” tâm sự, cách làm này có nhiều cái lợi. Đó là người dân biết được nhiều mánh của kẻ gian và tội phạm thì sợ bị lộ tẩy nên không dám hành động. Điều quan trọng khác là giúp công an phường gần gũi, hiểu dân hơn.
Thượng úy Tuấn tham gia tìm kiếm 13 nạn nhân trong vụ lật nhà hàng nổi Dìn Kí trên sông Sài Gòn. Ảnh: Anh Văn. |
Ít tuổi nhất trong những cán bộ được nêu gương, nhưng thành tích của thượng úy Huỳnh Văn Tuấn (Đội trưởng Cứu nạn, cứu hộ thuộc Phòng Cứu nạn, cứu hộ, Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP HCM) đã khiến nhiều người thán phục. Anh cho biết, trong 2 năm (2010-2011) đã cùng đồng đội trực tiếp tham gia trên 150 vụ cứu nạn, cứu sống được 6 người, lặn tìm hơn 50 thi thể dưới sông.
Với dáng vẻ rắn rỏi, nước da ngăm đen, anh Tuấn chia sẻ khi dấn thân với nghề gặp không ít khó khăn như phương tiện tác nghiệp còn thô sơ, chưa có trường lớp đào tạo chính quy… Sợ gia đình phản đối, anh từng phải giấu việc làm của mình trong thời gian dài.
“Mọi người chỉ biết tôi đến với nghề đầy nguy hiểm này khi tôi được Ban giám đốc Công an thành phố tặng bằng khen trong cứu hộ cứu nạn ở tòa nhà ITC năm 2002", thượng úy trẻ tâm sự.
Đội trưởng cứu nạn chia sẻ, công việc dù độc hại và nguy hiểm song có ý nghĩa nhân văn đã khiến anh càng thêm yêu nghề.
Nói về những "bông hoa" này của lực lượng cảnh sát, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang ghi nhận việc làm của các anh đã để lại trong lòng nhân dân sự tin yêu, cảm phục. Vì cuộc sống bình yên, thời gian qua hàng trăm cảnh sát quên mình hy sinh, hàng nghìn người bị thương trong khi làm nhiệm vụ.
Thái Thịnh