Một cảnh phá tường chui vào trong căn nhà sập đổ tìm nạn nhân của cảnh sát cứu hộ TP HCM. Ảnh: An Nhơn. |
Rạng sáng 30/12/2008, Đội cứu hộ cứu nạn (thuộc Sở cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP HCM) nhận tin báo có vụ sập giàn giáo tại công trình cao ốc văn phòng và thương mại CR4-1, nằm trong khu Phú Mỹ Hưng (quận 7) khiến nhiều công nhân bị vùi lấp. Cảnh sát cứu hộ cứu nạn được tung đến hiện trường.
Trước khu đổ nát rộng 500 m2, công việc đầu tiên của đội cứu hộ là tiếp nhận thông tin mô tả vị trí nạn nhân bị vùi lấp. Họ nhanh chóng chia hai nhóm, dùng đèn chiếu sáng, camera luồn vào các ngõ ngách mà người không vào được để tìm nạn nhân. Sau 15 phút, camera đã xác định vị trí hai công nhân nữ vùi dưới khối bêtông vừa ráo ở tầng 3 và 4.
Chị Nguyễn Thị Huyền (26 tuổi, quê Đồng Tháp) nằm ở tầng 3, bị bêtông và ngổn ngang những thanh sắt giàn giáo đè hết nửa người, đang cố sức kêu cứu. “Phá bêtông và cắt sắt không khó, có điều chỉ cần động búa vào là hàng chục tấn bêtông từ trên sẽ sụp xuống đè chết nạn nhân. Khi đó chẳng những không cứu được cô gái mà cả lính cứu hộ cũng chịu chung số phận”, trung úy Huỳnh Văn Tuấn, Đội trưởng đội cứu hộ cứu nạn nhớ lại.
Nhẩm tính trọng lượng của khối bêtông, Tuấn quyết định cho đồng đội chuyển gấp các con đội vào chèn cứng phía dưới dầm sắt, bảo đảm khối bêtông bên trên không tiếp tục lún sâu cũng như không thể đổ sập khi các phương tiện phá dỡ hoạt động. Đến khoảng 3h sáng, sau gần 2 giờ tìm kiếm, nạn nhân sống sót đầu tiên được chuyển khỏi hiện trường bàn giao cho kíp bác sĩ bên ngoài đưa đi cấp cứu.
Gian nan chưa dừng lại, trung úy Tuấn và các đồng đội trở lại đống đổ nát đào bới để cứu chị Võ Thị Tuyền (26 tuổi, quê Sóc Trăng). Chị Tuyền được phát hiện ở tầng 4 trong tình trạng sức khỏe nguy kịch với hai chân bị kẹp chặt bởi các thanh sắt giàn giáo và cả núi bêtông đang khô dần.
Trong lúc đội cứu hộ đào bới, các nhân viên y tế cũng len vào tận nơi truyền dịch, bơm oxy, tiêm thuốc giảm đau cho nữ công nhân. Một giờ trôi qua nhưng các nhân viên cứu hộ không thể bẩy khối bêtông để giải thoát nạn nhân. Hơi thở chị Tuyền yếu dần. Để bảo toàn tính mạng cho nữ công nhân này, các bác sĩ phải tính đến phương án tháo khớp nạn nhân ngay tại chỗ.
“Nhìn gương mặt của nạn nhân với hơi thở yếu ớt nhưng ánh mắt lúc ấy như đặt tất cả hy vọng sự sống vào chúng tôi, tôi không đành lòng nhìn nạn nhân bị tàn tật dưới sự bất lực của đội mình. Chúng tôi quyết định xin thêm thời gian”, Tuấn kể.
Được chỉ huy cho thêm 20 phút để quyết định số phận của cô gái, Tuấn cùng đồng đội lao vào khối bêtông đang cứng dần. Thời gian trôi đi, hơi thở nạn nhân yếu dần. Mồ hôi ướt đẫm lưng, các cảnh sát tích cực đào bới, khoan cắt rồi dùng túi hơi nâng bêtông kết hợp phun nước làm giảm độ khô cứng của bêtông. Cuối cùng, niềm tin của những cảnh sát trẻ đã chiến thắng khi quỹ thời gian 20 phút vừa hết, cô gái được cáng ra khỏi hiện trường trong sự vui mừng của người lính cứu hộ.
“Đó là 20 phút đấu trí cân não của tôi và đồng đội. Nếu lần đó tôi không thành công thì có lẽ đó sẽ là một kỷ niệm rất buồn. May mà chúng tôi đã không có sơ suất nào để phải ân hận”, Tuấn nhớ lại.
Một vụ cứu nạn khiến đội cứu hộ không thể quên đó là vụ sập ngôi nhà 4 tầng trong hẻm trên đường Nguyễn Cửu Vân (phường 17, quận Bình Thạnh) sáng 9/1/2007. Căn nhà bị sập trong giai đoạn gia cố. Chiều cao và sức nặng vật liệu của căn nhà quá lớn đã làm sập thêm 5 căn nhà liền kề. 4 người bị thương trong tai nạn, riêng chị Hoàng Dương Ngọc Phương (22 tuổi) bị kẹt sát vách căn nhà.
Tiếp nhận hiện trường là một đống đổ nát, bêtông, sắt thép nằm ngổn ngang, cảnh sát cứu hộ cứu nạn đã "trải qua những phút giải cứu nghẹt thở". Nạn nhân nằm ở vị trí khó tiếp cận, nhiều phương án được đội cứu hộ vạch ra. “Quy tắc được thống nhất là không được phép đào bới vì hiện trường có thể sập tiếp, đè chết nạn nhân”, Tuấn nhớ lại.
Cuối cùng, nhóm cảnh sát quyết định phá tường căn nhà bên cạnh. Sau vài phút dùng máy khoan bêtông, họ phá được một lỗ thông tường vừa đủ một người chui. “Tôi và một đồng đội bò vào, sau vài phút đã đưa nạn nhân ra ngoài đi cấp cứu”, Tuấn kể.
Giọng bùi ngùi, viên cảnh sát trẻ kể thêm về vụ sập nhà 4 tầng vào rạng sáng 7/8/2009 khiến 6 người bị mắc kẹt. Trong đó chị Lê Thị Phấn (22 tuổi) cùng đứa con 24 tháng tuổi đã tử vong.
Sau khi xác định vị trí nạn nhân, lực lượng cứu hộ đã lao mình vào tìm kiếm nạn nhân bị vùi dưới đống hỗn độn. Có những khối bêtông nặng hàng chục tấn. Sau 3 giờ đào bới, họ đã cứu được 4 nạn nhân ra ngoài. Cuối cùng thi thể hai mẹ con chị Phấn được tìm thấy dưới đống đổ nát. Giám định cho biết họ đã chết trước khi nhân viên cứu hộ có mặt.
“Dù công việc đã quen nhưng chúng tôi không thể tránh được cảm giác đau buồn mỗi khi tìm được nạn nhân nhưng họ đã chết. Điều đó càng thôi thúc chúng tôi làm sao phải triển khai và tìm kiếm được nạn nhân nhanh nhất vì sự sống trong thời điểm ấy chỉ tính được bằng giây”, trung úy trẻ trùng giọng.
Tìm người trong đống đổ nát. Ảnh: An Nhơn |
Theo Đại tá Lê Tấn Bửu (Phó giám đốc sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP HCM), hiện Đội cứu hộ cứu nạn trên cạn của thành phố có 28 cán bộ và được trang bị một xe thiết bị từ nước ngoài để có thể tìm kiếm nạn nhân trong các vụ sập đổ nhanh nhất. Các thiết bị chuyên dùng của nhân viên cứu hộ chủ yếu như: máy khoan cắt bêtông, máy cưa đa năng (cưa đá, sắt, thép…), máy cắt thủy lực mà kìm cộng lực không cắt được, túi khí nâng vật nặng khoảng 15 tấn, camera dò tìm nạn nhân trong công trình sập đổ…
“Tùy theo hiện trường xảy ra mà người chỉ huy lựa chọn thiết bị để triển khai sao cho việc tìm kiếm nạn nhân nhanh nhất, hiệu quả nhất. Trong đó, camera dò tìm nạn nhân là thiết bị mới được áp dụng tại TP HCM trong hai năm nay và đã phát huy tác dụng ở nơi mà nhân viên cứu hộ không vào được”, ông Bửu nói.
An Nhơn