Theo Nghị định 105 ban hành ngày 8/9, Chính phủ bổ sung một số chính sách phát triển giáo dục mầm non, thay thế cho Nghị định số 06 năm 2018 về việc hỗ trợ ăn trưa với trẻ em mẫu giáo và chính sách với giáo viên mầm non.
Theo đó, Chính phủ ưu tiên đầu tư kinh phí của trung ương và địa phương để xây dựng cơ sở giáo dục mầm non công lập ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng ven biển, hải đảo, bảo đảm đến năm 2025 phải có một phòng/nhóm, lớp đáp ứng yêu cầu kiên cố hóa.
Ngoài ra, trường mầm non công lập tại các địa phương này được hỗ trợ chi phí nấu ăn cho trẻ. Mỗi tháng, 45 trẻ được hỗ trợ 2,4 triệu đồng, nếu số dư từ 20 trẻ trở lên được tính thêm một lần hỗ trợ nữa. Một cơ sở giáo dục mầm non mỗi tháng được hưởng không quá 5 lần hỗ trợ và tối đa 9 tháng trong một năm học.
Các trường, nhóm lớp mầm non dân lập, tư thục trên địa bàn có khu công nghiệp được hỗ trợ nếu có tối thiểu 30% trẻ là con công nhân, người lao động làm việc tại đó. Các cơ sở này được hỗ trợ một lần, gồm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo danh mục được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất để phục vụ trực tiếp cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em. Với mỗi cơ sở, mức hỗ trợ tối thiểu 20 triệu đồng.
Việc bổ sung chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non tư thục là điểm mới của Nghị định 105.
Trẻ em không phải người dân tộc thiểu số, được hỗ trợ 160.000 đồng một tháng tiền ăn trưa nếu thuộc một trong năm nhóm sau: Có cha, mẹ hoặc sống tại địa phương đặc biệt khó khăn, vùng ven biển, hải đảo; không có nguồn nuôi dưỡng; là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo; là con liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, con thương binh, bệnh binh; là trẻ em khuyết tật học hòa nhập. Thời gian hỗ trợ được tính theo số tháng học thực tế, tối đa 9 tháng trong một năm.
Trong Nghị định 06 năm 2018, mỗi tháng, tiền hỗ trợ ăn trưa của một trẻ mẫu giáo bằng 10% mức lương cơ sở.
Theo văn bản mới, giáo viên công tác tại trường mầm non ở nơi đặc biệt khó khăn, trực tiếp dạy hai buổi một ngày tại các nhóm trẻ từ 2 tuổi trở lên hoặc dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số được hỗ trợ thêm 450.000 đồng một tháng, tối đa 9 tháng một năm. Tiền hỗ trợ được trả cùng lương, không dùng để tính đóng bảo hiểm xã hội, y tế và thất nghiệp.
Nghị định 105 có hiệu lực từ 1/11.
Thanh Hằng