Tại tọa đàm "Bạo hành trẻ mầm non, vì đâu nên nỗi?" sáng 1/12, TS Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao (Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Đại học Sài Gòn) cho rằng, nguyên nhân chính là người chăm sóc và giáo dục trẻ thiếu kỹ năng nghề và suy thoái đạo đức.
Qua khảo sát thực tế cho thấy, nhiều người trực tiếp bạo hành trẻ ở các nhóm trẻ, trường mầm non thường chưa có bằng cấp nghiệp vụ sư phạm giáo dục mầm non.
Theo bà Dao, ở nhiều cơ sở mầm non hiện chưa quan tâm đến việc giải tỏa tâm lý của giáo viên, bảo mẫu dẫn đến sự ức chế bị dồn nén.
Họ thường làm việc từ 5h đến 17h mỗi ngày với hàng chục trẻ, đến tối về nhà với vai trò của một người vợ, người mẹ ở gia đình. Công việc vất vả kéo dài cùng với đồng lương thấp, lâu ngày dẫn đến sự căng thẳng. Nhiều cô giáo do ức chế tinh thần nên mắc chứng tâm lý thích hành hạ người khác, mà người đó phải là người họ thân quen.
"Chúng ta nói nhiều đến tiền lương mà chưa quan tâm đến sức khỏe tinh thần của giáo viên. Ở nhiều trường, các hoạt động ngoại khóa để giáo viên thư giãn lại biến thành gánh nặng, gây thêm ức chế", bà Dao nói.
Nữ tiến sĩ đề xuất, các cơ sở mầm non dù là tư thục hay công lập cần chặt chẽ trong khâu tuyển dụng để chọn được người có trình độ chuyên môn và phẩm chất tốt.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền lợi trẻ em TP HCM) cho biết, khoảng ba năm nay chi hội tiếp nhận hàng trăm vụ bạo hành, xâm hại trẻ em ở khắp nơi, nhiều vụ rất đau lòng. Các vụ bạo hành trẻ ở Hà Nội, Thanh Hóa, TP HCM... vừa qua cho thấy, giáo viên gần như không được trang bị đầy đủ kỹ năng sư phạm.
Sau vụ bạo hành ở lớp mẫu giáo Mầm Xanh (quận 12) bị phát giác vừa qua, nhiều luật sư của chi hội xuống đưa các cháu tới bệnh viện khám, nhận thấy nhiều cháu có dấu hiệu bị ám ảnh, hoảng sợ. Theo bà Nữ, phụ huynh gửi con cho những giáo viên, bảo mẫu như vậy không khác gì "giao trứng cho ác".
Bà đề xuất, bên cạnh việc tăng chế tài xử lý các giáo viên có hành vi bạo hành trẻ, cơ quan chức năng cần rốt ráo kiểm tra, giám sát các cơ sở hành nghề trông trẻ tư thục, loại bỏ các giáo viên không đủ điều kiện. Vị trí, vai trò của giáo dục mầm non trong hệ thống giáo dục phải được nâng cao, chương trình đào tạo phải khắt khe, chuẩn mực hơn.
Từng có 8 năm làm giáo viên mầm non, cô Nguyễn Như Ngọc (quận Thủ Đức, TP HCM) cho biết công việc này rất áp lực, đòi hỏi người dạy phải thực sự yêu thương trẻ con bởi "nếu xem công việc này chỉ để kiếm tiền thì nên kiếm việc khác".
Theo cô Ngọc, không thể phủ nhận khi áp lực công việc quá lớn, giáo viên có thể nóng nảy nhưng nhờ tình thương yêu trẻ, người đó có thể kìm chế được những bức bối.
Bằng trải nghiệm, cô Ngọc cho rằng bảo mẫu ở Mầm Xanh bạo hành trẻ gần như để thỏa mãn cá nhân. Ngoài ra, tâm lý những cô giáo đó không ổn định, đánh trẻ vô căn cứ.
"Dạy trẻ tốt hay không không phụ thuộc đó là trường công hay tư, tất cả đều do con người, do giáo viên. Nghề này nghèo và áp lực, nếu các bạn yêu trẻ hãy tiếp tục, nếu không hãy tìm việc khác để mình không làm chuyện xấu với các bé", cô Ngọc khuyên hàng trăm sinh viên giáo dục mầm non sắp ra trường ngồi phía dưới.