Từ ngày 16/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép nhà trường tổ chức dạy trực tuyến một phần hoặc toàn bộ nội dung bài học để hỗ trợ hoặc thay thế dạy trực tiếp, theo Thông tư 09/2021. Hiệu trưởng được quyền quyết định hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hỗ trợ hay thay thế dạy học trực tiếp trong thời gian học sinh không đến trường vì lý do bất khả kháng.
Cô Phạm Thị Ngân, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Biên Hòa, Hà Nam, cho rằng quy định trên phù hợp với xu thế hiện nay và tương lai, mang lại nhiều lợi ích cho học sinh và nhà trường. Trước đây, khi học sinh trở lại lớp sau thời gian học online phòng dịch, nhiều trường lúng túng nên dạy tiếp thời khóa biểu hay quay về bổ trợ, phụ đạo những bài đã dạy trực tuyến cho học sinh.
"Khi thông tư mới có hiệu lực, các trường có thể tiếp tục dạy theo thời khóa biểu, công nhận kết quả học trực tuyến. Việc này tiết kiệm thời gian và công sức cho học sinh, nhà trường", cô Ngân đánh giá.
Theo cô Ngân, dạy học trực tuyến không thể thay thế hoàn toàn trực tiếp, nhưng nếu biết vận dụng công nghệ thông tin, ứng dụng mới nhất, việc dần thay thế có thể khả thi. Học trực tuyến cũng giúp phát triển kỹ năng công nghệ thông tin của học sinh, giúp các em và thầy cô được tương tác với nhau theo cách mới mẻ.
Khi kết quả dạy trực tuyến được công nhận, các trường sẽ có trách nhiệm triển khai việc học online một cách bài bản hơn, đảm bảo kiến thức để học sinh bắt nhịp được lúc trở lại trường. "Nhà trường có thể đầu tư về phần mềm, nâng cao chất lượng quản lý, giám sát các giờ học, không để tự phát và thiếu đồng bộ trong hệ thống như trước", cô nói.
Đi sâu nội dung thông tư, cô Ngân cho rằng, việc trao quyền cho hiệu trưởng để quyết định hình thức học, kiểm tra "áp lực nhưng hợp lý". Hơn ai hết, hiệu trưởng hiểu rõ cơ sở vật chất, tiềm lực, trình độ và điều kiện của học sinh, giáo viên trong đơn vị mình nên cần căn cứ mọi yếu tố này trước khi lựa chọn hình thức học.
Giáo án, mẫu bài kiểm tra, yêu cầu cần đạt được sau mỗi bài học khi dạy online sẽ giống như quy định do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Từ đây, giáo viên có thể sáng tạo các phương pháp và cách thức triển khai khác nhau, miễn sao đảm bảo mục tiêu đã có.
Đồng quan điểm, thầy Lê Văn Lục, Hiệu trưởng trường THPT Thanh Miện, Hải Dương, cho rằng căn cứ quy định mới, trường học có thể bắt tay xây dựng kế hoạch lưu trữ tài liệu, sổ sách, cơ sở hạ tầng và học liệu cho việc dạy học trực tuyến. "Việc này trước hết phục vụ công tác quản lý, giám sát của trường, sau để cơ quan các cấp kiểm tra về chất lượng day học", thầy Lục nói.
Thông tư cho phép làm kiểm tra thường xuyên theo hình thức online nên sắp tới, trường có thể tăng tần suất áp dụng hình thức này.
Điều hiệu trường này tiếc nuối là thông tư được ban hành hơi trễ so với thực tiễn cuộc sống. Covid-19 đã bùng phát tại Việt Nam từ đầu năm 2020, học sinh cả nước phải nghỉ học khoảng 3 tháng tránh dịch, sau đó tiếp tục phải thi tốt nghiệp THPT thành hai đợt. Nếu văn bản quy phạm pháp luật này được ban hành từ năm ngoái, chất lượng triển khai dạy online sẽ tốt hơn.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, TP HCM hoàn toàn ủng hộ tinh thần của thông tư trên bởi sự cấp thiết trong bối cảnh Covid-19 đe dọa toàn cầu. Thông tư tạo hành lang pháp lý, giúp các trường chủ động dạy học trong mọi tình huống.
Nhìn rộng hơn, văn bản mới này sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và sự phối hợp hài hòa giữa hai hình thức trực tiếp và trực tuyến trong việc hoàn thành một môn học, một chủ đề. Chẳng hạn, môn giáo dục nghề nghiệp lớp 11 có 3 tiết mỗi tuần, gây khó khăn trong việc sắp xếp thời khóa biểu. Nếu trường được tự chủ xếp phần học lý thuyết trực tuyến, phần thực hành trực tiếp ở trường sẽ rất dễ để phân phối thời gian.
Việc kiểm tra thường xuyên bằng hình thức trực tuyến mang lại nhiều mặt tích cực như không tốn giấy, giáo viên không phải chấm bài, học sinh biết kết quả ngay sau giờ kiểm tra.
"Tuy nhiên, có nhiều hạn chế khi triển khai dạy trực tuyến. Trường có phòng máy tính, đường truyền Internet phải mạnh, học sinh có đầy đủ điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính cá nhân. Học trực tuyến cũng đòi hỏi tinh thần tự học và sự trung thực trong thi cử, kiểm tra của học sinh rất cao", thầy Phú nói.
Ở bậc tiểu học, nhiều trường ủng hộ quy định trên, dù cho rằng hình thức dạy trực tuyến chỉ được thực hiện trong hoàn cảnh bất đắc dĩ. Theo thầy Ủ Thiện Phước, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Định (quận 6, TP HCM), khi thông tư có hiệu lực, các trường tiểu học sẽ chủ động lên kế hoạch dạy online ngay mà không phải chờ hướng dẫn từ cơ quan quản lý như trước đó. Trong các đợt nghỉ chống dịch vừa qua, tỷ lệ học sinh học online của trường đạt khoảng 80%. Nhiều em gia đình khó khăn, cha mẹ bận đi làm không theo được lớp học. Sau khi trường mở cửa, giáo viên phải bổ sung kiến thức hoặc dạy bù.
"Khi dạy trực tuyến được luật hóa, các trường phải thêm trách nhiệm trong việc tổ chức, phụ huynh cũng có trách nhiệm hơn với việc học của con. Chẳng hạn khi dịch bùng phát, nhà trường có thể thỏa thuận với phụ huynh từng lớp thời gian học trực tuyến cho con em mình, có thể sau giờ hành chính hoặc buổi tối. Điều này giúp phụ huynh không lỡ công việc mà vẫn kèm cặp con học đạt hiệu quả tốt", thầy Phước nêu ý tưởng.
Ủng hộ tinh thần thông tư mới này, song hiệu trưởng một trường THCS ở ngoại thành TP HCM cho biết trường chỉ tổ chức dạy trực tuyến nếu phải nghỉ học vì dịch bệnh. Qua 3 tháng nghỉ học chống dịch năm 2020 và hơn nửa tháng đầu năm nay, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến ở trường nhỉnh hơn 50%. Chất lượng tiếp thu bài vở của học sinh có thể còn thấp hơn.
"Ngay cả khi thông tư này có hiệu lực, nếu phải dạy trực tuyến, chúng tôi cũng phải dạy lại hoặc phụ đạo cho học sinh. Sự chênh lệch trình độ, điều kiện học tập giữa học sinh nội thành, ngoại thành là khá lớn", ông nói.
Theo hiệu trưởng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có thêm bộ hướng dẫn cụ thể kèm theo thông tư trên về hình thức tổ chức, thời gian, cách đánh giá, phương pháp dạy học... nếu các trường tổ chức dạy trực tuyến. Điều này sẽ giúp các trường thực hiện một cách đồng bộ, khoa học, tránh mỗi nơi một kiểu.
Năm học 2019-2020, hơn 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước phải học trực tuyến 3 tháng do Covid-19 bùng phát, trường học đóng cửa. Một số nơi như Đà Nẵng, Quảng Nam phải học tới 5 tháng, do có thêm đợt Covid-19 vào tháng 7-8/2020. Việc học ở vùng miền núi, nông thôn xa xôi gặp khó do mạng yếu và gia đình học sinh không có phương tiện. Ở vùng đô thị, học trực tuyến dần đi vào nề nếp với nhiều hình thức sáng tạo của cả nhà trường, giáo viên.
Đến tháng 3-4/2021, Covid-19 lại bùng phát ở 13 tỉnh thành, nhiều tỉnh khác có nguy cơ nên học sinh lại dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến. So với đợt trước, việc học lần này đã đi vào nề nếp, phần lớn nhà trường thực hiện thời khóa biểu trực tuyến như học trực tiếp.