Đầu tháng 2 năm ngoái, khi Covid-19 khiến trường học cả nước phải đóng cửa, cô Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng trường THCS Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội, lo việc học của học sinh bị gián đoạn. Thấy nhiều trường tư thục dạy trực tuyến, cô đã nghĩ trường mình cũng phải làm vậy. Nhưng thực tế trước mắt khiến cô không khỏi lo lắng.
"Nhiều năm liền trường không có giáo viên Tin học, gần 50% giáo viên là hợp đồng nên thường xuyên biến động, trang thiết bị xuống cấp. Về phía học sinh, chỉ 50% gia đình có sẵn thiết bị cho con học online. Mọi khó khăn bủa vây chúng tôi", cô Dung nói.
Thức trắng một đêm, cô quả quyết không thể vì khó mà không làm. Cô lên kế hoạch để tất cả giáo viên dạy trực tuyến, bắt đầu từ việc giao bài tập qua Zalo của phụ huynh, dạy thử nghiệm trên Classroom và Zoom. Việc này không được triển khai đồng bộ do phân nửa học sinh thiếu thiết bị. Chưa kể, các ứng dụng như Zoom có nhiều nhược điểm như học sinh chia sẻ ID cho người ngoài vào phá rối lớp học, đang học tự bị kích ra do hết thời gian.
"Học như vậy mãi có được không? Nếu dịch kéo dài thì sao? Có công cụ nào tốt hơn?", những câu hỏi liên tiếp hiện lên trong đầu thôi thúc Hiệu trưởng Dung đi tìm giải pháp. Cô cùng ban giám hiệu tính đến nhiều bước, từ tìm ứng dụng phù hợp hơn đến truyền động lực cho giáo viên, kêu gọi phụ huynh đồng hành.
Để tìm ứng dụng, cô Dung tham gia Cộng đồng giáo viên sáng tạo MIE Experts và liên hệ với nhiều thầy cô giỏi để học hỏi. Tìm hiểu về ứng dụng MS Teams, cô quyết định đăng ký Office 365 A1 (bản miễn phí) cho 53 giáo viên và nhân viên nhà trường, đăng ký tài khoản itrithuc của "Đề án Hệ tri thức Việt số hóa".
Một vấn đề khác cô và ban giám hiệu cần làm là khơi dậy tinh thần tự học và đưa giáo viên vào cuộc. Trong trường, có giáo viên mới đỗ viên chức, đi dạy hai ngày thì nghỉ do dịch bệnh, lại có thầy cô lớn tuổi, gần như chưa tiếp xúc với công nghệ thông tin. Cô Dung nhận định không ít thầy cô sẽ nản khi phải học một thứ xa lạ.
Như thầy Trương Đắc Cốc, giáo viên Toán, ngoài 60 tuổi, trăn trở khi nhận được tin nhắn về việc dạy học online trên ứng dụng mới. "38 năm đứng lớp, quá quen với bảng đen phấn trắng rồi, lại chưa tiếp cận nhiều với công nghệ thông tin, tất cả là con số 0 với tôi. Vậy mà tôi vừa làm quen với cái này lại phải dạy bằng cái khác. Không lo sao được", thầy Cốc chia sẻ.
Sau những buổi đầu kêu gọi, giới thiệu phần mềm, mời chuyên gia về hướng dẫn, các thầy cô trường THCS Đông La dần thích tìm hiểu về công cụ và hình thức dạy học mới hơn. Thầy Cốc cũng hiểu phải thay đổi vì học sinh, bắt đầu tham gia tập huấn, nhờ cả con dâu, cháu nội hỗ trợ. Để soạn bài giảng trực tuyến với rất nhiều ký hiệu Toán học, có những hôm thầy phải thức đến 3h sáng.
Các thầy cô khác, ngày dạy qua Zoom với những lớp lưa thưa học sinh, tối đến ngồi tìm tòi các tính năng của ứng dụng, rèn thao tác cho thuần thục. "Thời điểm mới làm quen, việc thức qua 12h đêm là chuyện thường", thầy Nguyễn Văn Thanh, giáo viên Toán nói.
Cùng với tập huấn cho giáo viên, nhà trường đăng ký tài khoản Office 365 A1 cho toàn bộ 884 học sinh. Nhiều em không có thiết bị, cô Dung và thầy cô trong trường tổ chức họp phụ huynh để vận động đầu tư cho con.
Ngày họp phụ huynh cũng là ngày xã Đông La phát hiện có người mắc Covid-19 ("bệnh nhân 185"), với 198 F2 và 68 F1, khiến một xóm bị phong tỏa, nhiều gia đình, cá nhân phải cách ly. Thế nhưng phụ huynh vẫn đến họp đông đủ. Được nhà trường chia sẻ kế hoạch học trực tuyến, họ hiểu rằng đó là cách duy nhất để duy trì việc học của con và ủng hộ.
Ngày hôm sau, một số phụ huynh tìm mua điện thoại, máy tính cho con. Với những em quá khó khăn, giáo viên trong trường góp tiền mua máy tính cũ để tặng. Còn lại đa số phụ huynh để con dùng điện thoại của mình khi học trực tuyến. Cũng vì vậy, nhà trường quyết định chỉ tổ chức dạy online vào chiều tối, khi bố mẹ đi làm, học sinh có thiết bị học.
Kết quả, đến ngày 31/3/2020, tất cả giáo viên chuyển qua dạy trên MS Teams. 22 lớp của trường học trực tuyến theo đúng thời khóa biểu. Từ đó đến hết đợt học online năm ngoái, 99% học sinh tham gia học trên ứng dụng, 100% học trên truyền hình. "Đó là mốc thời gian và những con số tôi sẽ luôn ghi nhớ", cô Dung nói.
Để việc dạy và học được diễn ra suôn sẻ, trong suốt quá trình dạy, thầy cô trường Đông La được nhắc nhở ghi chép khó khăn để cùng tháo gỡ. Vào thứ bảy hàng tuần, trường tổ chức buổi sinh hoạt chuyên môn với tên gọi "Sáng thứ bảy yêu thương" để thầy cô cùng đưa những khúc mắc ra bàn luận. Với cách làm này, sang đến năm nay, trường không gặp khó khăn gì khi dạy trực tuyến.
"Sẽ là khập khiễng nếu so sánh học trực tuyến với trực tiếp bởi chắc chắn học trực tuyến sẽ không giúp học sinh nắm kiến thức chắc bằng. Thế nhưng, nó rèn cho cả giáo viên và học sinh rất nhiều phẩm chất như tính kiên trì, tự học và các kỹ năng sử dụng thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin", cô Dung nói.
Từ việc không được học môn Tin một cách đầy đủ do trường không có giáo viên biên chế, học sinh trường Đông La đã biết thế nào là "lớp học ảo", sử dụng được ứng dụng để tạo ra video. Khi nhà trường phát động cuộc thi thiết kế video "Một ngày ở nhà", hơn 120 em gửi sản phẩm tham dự.
Với các thầy cô, dạy học online như mở ra nhiều cách thức giúp bài giảng sinh động. Các thầy cô thiết kế được những slide bài giảng đẹp mắt, tổ chức điểm danh qua trò chơi, thi hát khi giải lao. Ngoài Office 365, thầy cô còn chủ động tích hợp các trang OLM của Đại học Sư phạm Hà Nội, hệ thống học và thi trực tuyến HanoiStudy để dạy học.
Thời gian không học trực tuyến, nhà trường vẫn sử dụng ứng dụng để tập huấn chuyên môn, giao bài tập, bồi dưỡng học sinh giỏi hoặc yếu kém. Hiện, vào chủ nhật hàng tuần, thầy cô trường THCS Đông La vẫn lên lớp trực tuyến để hỗ trợ cho các em yếu kém. Vào các buổi tối, nếu có bài khó, chỗ nào không hiểu, các em cũng có thể hẹn thầy lên lớp online để được giải thích cụ thể.
Trường cũng phát động thêm một số cuộc thi làm video, thiết kế báo tường qua Microsoft Sway, kết nối Skype để học sinh tham gia chương trình ngoại khoá tìm hiểu lịch sử do trường Tiểu học và THCS Trần Hữu Dực (Quảng Trị) tổ chức. "Tôi chưa thể đưa ra số liệu đánh giá hiệu quả cụ thể, nhưng việc các em tham gia đầy đủ, tích cực đã phần nào phản ánh nỗ lực của chúng tôi", cô Dung nói.
Nhờ hiệu quả của dạy online, trường THCS Đông La được mời chia sẻ kinh nghiệm với các trường khác trong huyện Hoài Đức. Cô Dung chia sẻ kinh nghiệm của trường mình với khoảng 2.000 thành viên trong cộng đồng giáo viên sáng tạo MIE.
Tới đây, trường dự định vẫn dạy online song song với dạy học trực tiếp, trong đó hướng tới kết nối, giao lưu với giáo viên, học sinh người nước ngoài để giới thiệu văn hóa Việt Nam.
Tại buổi họp cuối tháng 2, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định dạy học trực tuyến không chỉ là tình huống phát sinh mà là xu hướng. Bậc đại học có thể tận dụng tối đa hình thức này, còn phổ thông có thể ứng dụng các yếu tố tích cực ở mức độ khác nhau. Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến trên diện rộng, đưa ra khuyến cáo và giải pháp mở rộng, nâng cao hiệu quả.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ ban hành thông tư quy định quản lý dạy học trực tuyến trong trường phổ thông, công nhận dạy học trực tuyến là phương thức được sử dụng chính thức trong nhà trường, bên cạnh các hình thức khác để giúp trường có căn cứ pháp lý sử dụng đa dạng phương thức dạy học. Bộ cũng sẽ tính toán để biến việc dạy học trực tuyến thành giải pháp lâu dài, vừa bổ trợ dạy trực tiếp, trong trường hợp cụ thể có thể thay thế dạy trực tiếp.