Khoảng một triệu trẻ mầm non, học sinh phổ thông TP HCM bước vào tuần học thứ tư sau kỳ nghỉ Tết trong bối cảnh thành phố ghi nhận hơn 7.500 ca nhiễm trường học, gồm hơn 700 giáo viên và gần 6.800 học sinh.
UBND TP HCM tuần trước ban hành hướng dẫn mới về xử lý F0, F1 trong trường. Theo đó, nếu phát hiện F0, nhà trường phối hợp với trạm y tế địa phương xác định các F1; tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu gộp (không quá ba mẫu) cho toàn bộ F1.
Sĩ số lớp học trung bình các trường ở TP HCM khoảng 40-45 em. Khi phát hiện F0 ở một lớp, các trường phải dùng 10-20 kit test nhanh.
Lãnh đạo một trường tiểu học ở quận Gò Vấp cho biết sau hai tuần học trực tiếp, trường ghi nhận hơn 30 F0, một số phát hiện tại trường. Nhà trường rà soát để xác định và test nhanh học sinh F1 bằng nguồn kit test tự túc. Trường chuẩn bị hơn 100 kit test nhanh, giá mỗi chiếc 70.000 đồng, hiện đã dùng hết 30 chiếc.
Để có thể chi dùng dè sẻn như vậy, vị lãnh đạo cho biết: "Chúng tôi chỉ test gộp những em có biểu hiện bất thường, còn lại nhờ phụ huynh test khi các em trở về nhà, học trực tuyến. Nếu phải test hết F1, chắc chắn không đủ kit".
Theo thông báo của phòng giáo dục quận, trường sử dụng kit test nhanh tự chuẩn bị để xác định ca nghi nhiễm. Khi xác định được F0, nhà trường phối hợp với trạm y tế phường để kiểm tra các F1.
"Quy định là vậy, nhưng số lượng học sinh F1 là rất lớn, trường vẫn cần có nguồn kit để chủ động. Nếu không được cấp, về lâu dài chúng tôi không đủ kinh phí mua sắm, sẽ rất khó khăn trong chi tiêu", lãnh đạo trường cho biết.
Tại THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh) tuần qua, sáu lớp phải dừng học trực tiếp vì có F0, trong đó hai lớp phát hiện F0 trong giờ học. Toàn bộ học sinh liên quan được đưa đến lớp dự phòng, test gộp ba mẫu.
Hiệu trưởng Hứa Thị Diễm Trâm cho biết, quận có chủ trương hỗ trợ kit cho các trường khó khăn nhưng nguồn lực hạn chế. Do trường chưa ở mức quá khó khăn nên vẫn chủ động nguồn kit để sử dụng khi cần. Hiện số lượng kit chuẩn bị vẫn đủ dùng nếu tiết kiệm nhưng về lâu dài, trường sẽ gặp khó.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du, quận 10, nhận định việc xét nghiệm toàn bộ F1 khi trong lớp có F0 là tốn kém, không hiệu quả.
Thầy Phú nêu ví dụ, trường có 4-5 lớp xuất hiện F0, số kit test cần thiết lên đến hàng trăm; trong kịch bản xấu nhất, các lớp đều xuất hiện F0, số kit test cần dùng lên đến hàng nghìn.
"Số tiền dùng để mua kit lúc này có thể hàng trăm triệu đồng, sử dụng một lần. Câu hỏi khác đặt ra là kit này ở đâu, bởi không phải muốn là mua được. Y tế địa phương có hỗ trợ chăng nữa cũng không đủ nhân sự, nguồn lực, vì họ còn rất nhiều việc khác", thầy Phú nói.
Tương tự các trường khác, THPT Nguyễn Du chuẩn bị số lượng kit đủ dùng trong ngắn hạn. Số lượng F0 ở trường vẫn trong tầm kiểm soát nhờ sự phối hợp chặt chẽ với phụ huynh. Trước khi đi học vào đầu tuần, cha mẹ sẽ test nhanh cho con và báo kết quả về cho giáo viên.
"Về lâu dài, cách làm này không ổn, các trường sẽ rất bị động. Nếu thiếu kit test, không có kinh phí, khó tránh khỏi việc nhiều trường sẽ làm qua loa", thầy Phú cho biết.
Do không có kinh phí mua kit, một số trường phải kêu gọi phụ huynh ủng hộ. Tuy nhiên, lãnh đạo các trường ngại việc này không "lâu bền" bởi phụ huynh cũng khó khăn vì dịch bệnh. Chưa kể, việc huy động kinh phí dễ gây tiêu cực về thu chi.
Vấn đề khó khăn vì kit test nhanh được nhiều địa phương, trường học nêu tại buổi giao ban phòng chống dịch của Sở Giáo dục và Đào tạo, ngày 25/2.
Ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở, cho biết thành phố đã thống nhất, y tế địa phương là đơn vị hỗ trợ thiết bị này cho các trường. Nhà trường chỉ chuẩn bị que test dự phòng để tầm soát F0, các trường hợp nghi nhiễm; việc tầm soát các ca liên quan do y tế địa phương hỗ trợ. Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở cũng cho rằng, nhà trường phải chủ động sử dụng nguồn lực của mình để linh động giải quyết, "không nên ngồi chờ".
Để khắc phục tình trạng trên, các trường đề xuất thành phố quy định cụ thể chính sách hỗ trợ cụ thể bằng thiết bị, vật tư y tế hoặc cấp kinh phí. Một số trường kiến nghị sửa quy định xử lý F1 theo hướng không bắt buộc xét nghiệm nhanh toàn bộ trường hợp.
"Hiện nay, các trường đã phối hợp với phụ huynh tầm soát dịch bệnh từ xa, các trường hợp nghi nhiễm, có dấu hiệu bất thường được ở nhà. Việc bắt buộc kiểm tra hết F1 trong trường cần thiết nữa hay không, cần được tính lại", Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú đề xuất.