Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết từ ngày 14/2 đến nay ghi nhận 7.505 ca trong trường học, gồm hơn 700 giáo viên và gần 6.800 học sinh.
Ngành y tế đang theo dõi sát số ca mắc, ca nặng cần hỗ trợ hô hấp tại các bệnh viện; tham mưu cho UBND TP HCM xem xét ngừng học trực tiếp khi số trẻ mắc Covid-19 triệu chứng nặng, cần hỗ trợ hô hấp, hơn 100 ca mỗi ngày. Đề xuất được nhiều lãnh đạo trường học, đặc biệt bậc tiểu học, mầm non quan tâm bởi trẻ độ tuổi này chưa được tiêm vaccine.
Cô Ngô Thị Thúy Lan, Hiệu phó Tiểu học An Hội, quận Gò Vấp cho biết, qua gần hai tuần học trực tiếp, trường ghi nhận hơn 50 F0 là học sinh, ba trường hợp là giáo viên. Năm lớp ở trường phải dừng học trực tiếp, chuyển sang trực tuyến; số lớp còn lại có F0, phải tổ chức song song hai hình thức.
Với hơn 3.700 học sinh, Tiểu học An Hội là trường đông thứ nhì thành phố; mỗi lớp trung bình 45 em. Trường còn tổ chức bán trú cho hơn 1.100 học sinh. Sự gia tăng F0 trong tuần này tạo áp lực lớn đến việc quản lý, dạy học của trường.
Theo cô Lan, nếu thành phố có trung bình 100 F0 trẻ em triệu chứng nặng, mật độ F0 ở trường học khi đó rất lớn, vượt xa con số hiện nay. Nhiều lớp của một trường, thậm chí cả trường có thể phải dừng học trực tiếp, chuyển sang trực tuyến. Phụ huynh lúc đó cũng không yên tâm cho con đến trường.
"Bài toán dạy học song song trực tiếp, trực tuyến lúc này rất phức tạp. Do đó, đồng bộ chuyển sang học trực tuyến trong bối cảnh hơn 100 ca nặng là hợp lý. Việc học có thể chậm lại, sức khoẻ của học sinh quan trọng hơn", cô Lan nói.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở nội thành cũng đồng quan điểm dừng học trực tiếp khi số ca F0 nặng ở trẻ em trên 100 mỗi ngày. Ông ủng hộ ý kiến này xuất phát từ thực tế, chưa đầy ba tuần học sau Tết, số F0 trong trường học lên tới hàng nghìn, trong đó nhiều học sinh chưa được tiêm vaccine.
"Nếu thành phố có trên 100 trẻ bệnh nặng, số F0 ở trường học có thể gấp 5-7, thậm chí hàng chục lần hiện nay. Khi đó, việc học ở các trường gần như phải chuyển qua online. Quyến định dừng hẳn học tập trung, chuyển tất cả sang trực tuyến sẽ tốt hơn là mỗi nơi dạy một kiểu", hiệu trưởng nói.
Hiện nay, dù số F0 trẻ em ở cộng đồng tăng cao nhưng hầu hết là ca bệnh nhẹ. Trong số 100 trẻ đang điều trị nội trú tại ba viện nhi của thành phố (gồm 15 ca chuyển từ các tỉnh), 89% có triệu chứng trung bình hoặc nhẹ.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Covid-19, cho biết trong số 52 trẻ đang điều trị, chỉ ba trường hợp hỗ trợ hô hấp, còn lại theo dõi, cho dùng thuốc điều trị triệu chứng, thuốc chữa bệnh nền.
Số trẻ F0 đang nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố thấp hơn, với 12 trường hợp, không có bệnh nhi nào cần hỗ trợ hô hấp, theo phó giám đốc Nguyễn Minh Tiến. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trong số hơn 30 trẻ đang điều trị, chỉ 5 ca cần hỗ trợ hô hấp để điều trị bệnh lý nền từ trước.
Dù đồng tình với phương án của Sở Y tế ở tiêu chí "số ca bệnh nặng trên 100", nhiều lãnh đạo trường học đề xuất kết hợp tiêu chí "địa bàn", khi quyết định dừng học trực tiếp.
Thầy Lê Ngọc Phong, Hiệu trưởng Tiểu học Nguyễn Thái Bình, quận 4 cho rằng, nếu phần lớn số ca tập trung ở một vài quận, huyện, các địa phương còn lại nên dạy trực tiếp bình thường. Điều này tránh lãnh phí thời gian, nguồn lực học tập ở những địa bàn vùng xanh, dịch bệnh được kiểm soát.
Thầy Phong cho biết, Tiểu học Nguyễn Thái Bình hai tuần qua ghi nhận tám học sinh diện F0. Tại một số lớp, học sinh phải chuyển sang học trực tuyến. Việc dạy học và bán trú được đánh giá ổn định, khá hiệu quả.
Thầy Trần Từ Duy, Giám đốc điều hành hệ thống trường Tre Việt, quận 12 cùng quan điểm trên, cho rằng cần đánh giá tình hình dịch bệnh ở những khu vực quận huyện, phường xã cụ thể. "Chỉ nên chuyển online ở những vùng có nguy cơ lây nhiễm cao. Khu vực được đánh giá an toàn, nên tổ chức học tập trực tiếp để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, giảm bớt áp lực cho phụ huynh", thầy Duy nói.
Trong khi đó, nhiều hiệu trưởng không tán thành với phương án dự kiến của Sở Y tế.
Theo một lãnh đạo trường tiểu học ở quận 8, F0 xuất hiện trong trường học là tình huống được dự báo, chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi mở cửa. Phương án xử lý F0, F1 của ngành y tế vừa được ban hành chi tiết, các trường có thể thực hiện thuần thục. Thời gian phải cách ly F1 cũng được rút ngắn còn 7 ngày với trẻ chưa tiêm vaccine và 5 ngày với trẻ tiêm đủ mũi. Đây là những cơ sở giúp trường học xử lý sự cố phát sinh một cách nhanh, gọn.
"Thực tế, khả năng lây nhiễm ở trẻ khi đi học hay ở nhà không khác nhau là mấy. Quan trọng nhất bây giờ là cách xử lý F0, F1, sắp xếp sao cho việc học diễn ra liên tục chứ không nên tính phương án ngưng học", cô nói.
Cô Nguyễn Thị Hồng Quỳnh, chủ đầu tư và quản lý bốn cơ sở mầm non ở TP Thủ Đức và quận 12, cho rằng ở bậc tiểu học, mầm non, trẻ đến trường theo tuyến địa bàn cư trú, ít có sự di chuyển, tiếp xúc rộng.
"Cần xem xét, tính toán kỹ các tiêu chí cho trường học nếu số ca F0 nặng ở trẻ tăng mạnh, không nên cứng nhắc ở một con số. Nếu phải đóng mở liên tục sẽ rất mệt mỏi cho phụ huynh", cô Quỳnh nói.
Hiện trẻ mầm non trên ba tuổi, tất cả học sinh từ tiểu học đến THPT tại TP HCM học trực tiếp. Nhiều trường đang duy trì mô hình dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến trong bối cảnh số ca F0 tăng mạnh.