Bốn ngày sau khi công bố 32 sách giáo khoa được phê duyệt và UBND cấp tỉnh sẽ lựa chọn sách giáo khoa, ngày 26/11 Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin năm học 2020-2021, việc chọn sách giáo khoa lớp 1 sẽ thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, tức là cơ sở giáo dục có thẩm quyền lựa chọn sách. Bộ đang xây dựng dự thảo thông tư theo tinh thần này và chỉ áp dụng với lớp 1, có hiệu lực thi hành đến hết ngày 30/6/2020.
Thành phần hội đồng lựa chọn sách giáo khoa gồm: Chủ tịch là người đứng đầu cơ sở giáo dục, Phó chủ tịch là cấp phó của người đứng đầu cơ sở giáo dục, thư ký là tổ trưởng chuyên môn và thành viên hội đồng là giáo viên, phụ huynh học sinh. Phòng cùng Sở Giáo dục và Đào tạo cấp tỉnh sẽ tiếp nhận báo cáo của các trường về lựa chọn sách giáo khoa và công bố rộng rãi.
Từ ngày 1/7/2020, thời điểm Luật Giáo dục có hiệu lực, việc lựa chọn sách giáo khoa sẽ thực hiện theo Luật, tức là do UBND cấp tỉnh quyết định. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng dự thảo theo tinh thần này, lấy ý kiến các địa phương và nhà khoa học, dự kiến ban hành trong tháng 12.
Trước băn khoăn học sinh lớp 1 cùng địa phương sau năm 2021 có thể học sách giáo khoa khác nhau do sự thay đổi cơ quan lựa chọn, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng thông tư lựa chọn sách giáo khoa theo tinh thần Luật Giáo dục 2019 sẽ có sự chuyển tiếp, kế thừa thông tư theo Nghị quyết 88, đảm bảo không gây xáo trộn.
Hơn nữa, dù có nhiều sách giáo khoa, các sách này đều chung "lõi kiến thức" đã được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Tác giả dù viết sách thế nào, có thể diễn đạt bằng kênh chữ hay kênh hình thì cũng phải đáp ứng nội dung kiến thức trong chương trình. Bởi vậy học sinh khi học sách giáo khoa này, chuyển sang học sách khác sẽ không gặp khó khăn.
Với lo lắng về kiểm tra, đánh giá, giáo viên sẽ bám theo sách giáo khoa, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ phải sửa quy chế để giáo viên khi ra đề sẽ thoát ly ngữ liệu cụ thể trong sách.
Trước đó chiều 22/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố sau hai vòng thẩm định, 38 trên 49 bản thảo của chín môn sách giáo khoa lớp 1 đáp ứng đủ 13 tiêu chí theo Thông tư 33, 11 bản thảo sáu môn "Không đạt". Ngày 21/11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phê duyệt 32 cuốn của tám môn. Riêng Tiếng Anh lớp 1 chưa phê duyệt do là môn tự chọn.
Trong 32 cuốn sách, có năm cuốn Tiếng Việt, năm cuốn Toán, năm cuốn Đạo đức, ba Tự nhiên và Xã hội, một Giáo dục thể chất, năm Âm nhạc, năm Mỹ thuật và ba cuốn Hoạt động trải nghiệm. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chiếm ưu thế khi có tới 24 cuốn, hợp thành 4 bộ sách, được phê duyệt. Hai nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TP HCM, mỗi cơ sở có bốn cuốn, hợp thành một bộ sách hoàn chỉnh.
Thanh Hằng