Tại buổi họp báo chiều 22/1 ở Hà Nội, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sau hai vòng thẩm định, 38 trên 49 bản thảo của chín môn đáp ứng đủ 13 tiêu chí theo Thông tư 33, 11 bản thảo sáu môn "Không đạt". Ngày 21/11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phê duyệt 32 cuốn của tám môn. Riêng Tiếng Anh lớp 1 chưa phê duyệt do là môn tự chọn.
Trong 32 cuốn sách, có năm cuốn Tiếng Việt, năm cuốn Toán, năm cuốn Đạo đức, ba Tự nhiên và Xã hội, một Giáo dục thể chất, năm Âm nhạc, năm Mỹ thuật và ba cuốn Hoạt động trải nghiệm.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chiếm ưu thế khi có tới 24 cuốn, hợp thành 4 bộ sách, được phê duyệt. Hai nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TP HCM, mỗi cơ sở có bốn cuốn, hợp thành một bộ sách hoàn chỉnh.
Nhiều người từng xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, nay tham gia biên soạn sách, như: GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, biên soạn sách Tiếng Việt, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội; GS Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình môn Toán, biên soạn sách Toán, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội; PGS Bùi Mạnh Hùng, tác giả chương trình môn Ngữ văn, biên soạn sách Tiếng Việt, NXB Giáo dục Việt Nam...
>>Danh sách 32 sách giáo khoa được phê duyệt
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều bản mẫu được xây dựng công phu, tâm huyết, tuân thủ định hướng đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhiều bản có cấu trúc mới, tiếp cận với cách biên soạn của các nước tiên tiến và vẫn phù hợp với điều kiện nhà trường, học sinh tiểu học Việt Nam, đảm bảo tính "mở", linh hoạt.
Với 11 bản mẫu "Không đạt", theo ông Tài, hầu hết tác giả có nguyện vọng và gửi đơn đề nghị về Bộ Giáo dục và Đào tạo để được tiếp tục chỉnh sửa, biên soạn lại theo góp ý của các hội đồng và tiếp tục trình thẩm định lại. Bộ sẽ tổ chức thẩm định lại vào tháng 12.
Trước lo ngại tính độc quyền khi thị phần sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiếp tục lớn nhất, ông Thái Văn Tài cho rằng tính độc quyền sẽ được hạn chế tối đa bởi hiện có nhiều bộ sách giáo khoa từ nhiều nhóm tác giả và nhiều nhà xuất bản. Hơn nữa, Luật Giáo dục không quy định địa phương lựa chọn sách theo bộ hay theo môn. "Chúng ta không nên băn khoăn quá nhiều về tính độc quyền", ông Tài nói.
Trả lời câu hỏi tại sao không công khai ý kiến thẩm định các loại sách, ông Tài cho hay việc công khai biên bản ý kiến thẩm định đã được thực hiện ở từng vòng với nhà xuất bản và tác giả. Rất nhiều chi tiết nhỏ được trao đổi với tác giả và nhà xuất bản, nêu rõ chỗ nào cần sửa, góp ý để sách hay hơn. Biên bản của từng hội đồng rất dày, có cái tới 40 trang.
"Chúng tôi đã công khai với những người liên quan và rất minh bạch. Các nhà xuất bản đã được bàn giao biên bản đúng quy định, đúng người, đúng thời điểm theo quy định ở Thông tư 33. Hiện chúng tôi cân nhắc biên tập lại để công khai rộng rãi vì biên bản có nhiều yếu tố kỹ thuật", ông Tài nói.
Giải thích việc không công khai chế bản điện tử của các bản mẫu sách giáo khoa để công chúng theo dõi, ông Tài cho rằng sách giáo khoa liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ, việc công khai phụ thuộc phần lớn vào tác giả, sau đó đến nhà xuất bản. Vì vậy, Bộ đang nghiên cứu chế bản điện tử.
Về quy trình lựa chọn sách, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách theo từng môn học, hoạt động giáo dục. "Bộ đã tính đến việc ngăn chặn những vấn đề liên quan đến lợi ích, đảm bảo chọn sách sao cho khách quan, minh bạch. Các quy định của pháp luật cũng đảm bảo các UBND tỉnh phải thực hiện minh bạch", ông Thành nói.
Vụ phó Giáo dục trung học cho rằng sách giáo khoa chỉ là tài liệu học tập và dù là sách nào cũng đảm bảo theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc kiểm tra, đánh giá không phụ thuộc vào các ngữ liệu trong sách. Vì vậy, việc học sinh chuyển trường và phải sử dụng sách khác cũng không bị ảnh hưởng.
Về lộ trình, trước tháng 3/2020, các địa phương phải thành lập hội đồng và công bố kết quả lựa chọn sách giáo khoa trong danh mục được Bộ công bố. Từ tháng 3 đến tháng 5, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các nhà xuất bản tổ chức tập huấn sử dụng sách giáo khoa cho giáo viên. Từ tháng 3 đến tháng 8, các nhà trường cũng sẽ tổ chức tập huấn, nhà xuất bản in ấn và phân phối sách.
Từ năm học 2020-2021, sách giáo khoa lớp 1 mới bắt đầu được sử dụng, thay thế bộ sách hiện nay.
Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nêu rõ chủ trương thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.
Tháng 12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới với chương trình tổng thể và chi tiết 27 môn học. Các nhà xuất bản căn cứ vào đó để biên soạn sách giáo khoa, trình hội đồng thẩm định.
Hiện học sinh cả nước dùng một bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và một số sách Công nghệ giáo dục bậc tiểu học của GS Hồ Ngọc Đại.