- Thưa ông, tại sao tỉnh lại thí điểm dạy môn nữ công gia chánh cho học sinh trường THPT Hai Bà Trưng từ năm học 2021-2022?
- Trong đổi mới giáo dục, tôi quan tâm đến việc đào tạo kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Hiện nay, việc giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng sống có phần nào đó mờ nhạt, ít được quan tâm. Nhiều học sinh khi bước vào tuổi trưởng thành bị hạn chế kiến thức, ảnh hưởng đến cuộc sống. Vì thế, tôi đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, trường THPT Hai Bà Trưng rà soát chương trình dạy nghề, nâng cao các kỹ năng cho học sinh.
Một trong những vấn đề tôi đặt ra là phải dạy những kỹ năng bình thường nhất trong cuộc sống mà các trường ở Huế từng dạy, đó là nấu ăn, làm quà tặng, thiệp chúc Tết... Học ăn, học nói, học gói, học mở cũng là một trong những kỹ năng quan trọng mà mỗi học sinh cần phải có trong cuộc sống bình thường. Đưa môn học nữ công gia chánh trở lại trường học là việc làm cấp bách. Phương châm là vừa học, vừa chơi, vừa trải nghiệm, tạo hứng thú cho các em.
- Trước khi quyết định thí điểm môn này, tỉnh đã khảo sát học sinh, phụ huynh, giáo viên thế nào?
- Mấy hôm trước, tôi đã gặp mặt cựu học sinh trường Đồng Khánh, giáo viên trường THPT Hai Bà Trưng. Trường THPT Hai Bà Trưng tiền thân là trường Đồng Khánh, có thế mạnh về đào tạo nữ công gia chánh. Tại cuộc gặp mặt, nhiều cựu học sinh trường Đồng Khánh và giáo viên trường THPT Hai Bà Trưng rất tán thành phục hồi môn học này. Nhiều người cho rằng môn học sẽ được học sinh yêu thích bởi tập trung vào kỹ năng chế biến các món ăn truyền thống của Huế.
Với một ngôi trường giàu truyền thống như THPT Hai Bà Trưng, tôi tin việc thí điểm, phục hồi môn học nữ công gia chánh sẽ thành công. Từ đó, môn học này sẽ được nhân rộng ra các ngôi trường khác trên toàn tỉnh. Môn học cũng không quá xa lạ với các trường học ở Thừa Thiên Huế bởi từng được dạy.
- Vì sao chỉ dạy nữ công gia chánh cho nữ mà không dạy cho cả nam?
- Nữ công gia chánh chỉ là một thuật ngữ để bao quát các kỹ năng sống. Ngoài việc tập trung dạy nấu ăn cho học sinh, giáo viên cũng sẽ dạy văn hóa ứng xử, tác phong của con người Huế từ tiếng dạ, tiếng thưa đến cách ăn mặc, đi đứng, giao tiếp với bạn bè, thầy cô, gia đình và cộng đồng. Thông qua các món ăn được dạy, các em sẽ hiểu hơn về văn hóa ẩm thực Huế, con người Huế.
Một số người hiểu nhầm nữ công gia chánh chỉ là môn học dành cho nữ sinh mà không dành cho nam sinh. Đã là đào tạo nghề thì không kể nam nữ. Trên thế giới hiện nay, nhiều đầu bếp nổi tiếng là nam không phải là nữ. Việc học nấu ăn, nâng cao kỹ năng sống là dành cho mọi giới.
- Ông nghĩ sao trước quan điểm nữ công gia chánh nên được dạy trong gia đình, trường học dạy những cái phổ quát hơn và phải theo chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo?
- Tôi nghĩ rằng ý kiến đó chưa đúng lắm so với thực tế cuộc sống ngày nay. Nét tinh túy của Huế là bữa ăn ngon, đoàn tụ các thành viên trong gia đình mỗi ngày. Nhưng hiện nay nhiều gia đình vì bận rộn với công việc, không đủ thời gian nấu ăn nên không duy trì bữa cơm gia đình hàng ngày.
Những ông bố, bà mẹ ham với công việc, suốt ngày chỉ ăn cơm hộp, ăn tại các căng tin thì làm sao dạy con cái nấu ăn? Đó là chưa kể các kỹ năng sống khác. Vậy nhà trường sẽ giúp các em rèn luyện kỹ năng nấu ăn, kỹ năng sống cần có.
- Cá nhân ông kỳ vọng gì khi đưa môn học này vào trường học?
- Tôi hy vọng môn học nữ công gia chánh sẽ giúp học sinh hoàn thiện các kỹ năng cơ bản mà cuộc sống bình thường cần có. Các em sau khi rời khỏi ghế nhà trường phổ thông có thể tự nấu ăn cho mình, cho gia đình, hiểu được văn hóa ẩm thực Huế, ẩm thực Việt Nam, từ đó sẽ tự hào về các món ăn rất tinh tế, dân dã qua sự thuyết minh của giáo viên.
Học sinh phải biết Huế có món ăn gì, làm món gì cơ bản trong ngày giỗ, ngày kỵ. Những kỹ năng mà các em học được sẽ góp phần vào việc xây dựng Huế kinh đô ẩm thực của Việt Nam mà tỉnh Thừa Thiên Huế đang hướng đến.
Võ Thạnh