Chủ nhật, 6/10/2024
Thứ tư, 8/3/2017, 12:05 (GMT+7)

Ngôi trường nữ sinh đầu tiên ở miền Trung tròn 100 tuổi

Được vua Khải Định đặt viên đá đầu tiên xây dựng, trường nữ sinh Đồng Khánh (nay là THPT Hai Bà Trưng, TP Huế) đến nay tròn 100 tuổi và vẫn giữ những nét kiến trúc ban đầu.

Cô nữ sinh Đồng Khánh
 
 

Trường Đồng Khánh (nay là trường THPT Hai Bà Trưng) tọa lạc bên sông Hương, trên đường Lê Lợi (TP Huế, Thừa Thiên Huế). Ngày 15/7/1917, ông Albert Sarraaut, toàn quyền Đông Dương và vua Khải Định đặt viên đá đầu tiên xây dựng trường nữ trung học đầu tiên ở Huế. Trường mang tên Đồng Khánh, thể hiện sự tôn kính của hoàng đế Khải Định với vua cha Đồng Khánh.

Dưới sự điều khiển của nhà thầu Leroy (Pháp), gần 2 năm sau, ngôi trường khánh thành. Đây là ngôi trường nữ đầu tiên và duy nhất dành cho nữ sinh cả 13 tỉnh Trung Kỳ bấy giờ đến học.

Trường gồm 2 dãy phòng học lớn nằm ở hai bên cổng, mỗi dãy xây 2 tầng, riêng 2 phòng học ở giữa xây 3 tầng. Mái trường lợp ngói, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông.

Nhà chơi nằm ở giữa trường, trước mặt là sân cờ. Trên chóp mái của nhà chơi có biểu tượng của nữ sinh mang áo dài màu trắng cách điệu. Với diện tích 32.000 m2, ngoài các khu nhà chức năng thì phần lớn diện tích còn lại là sân trường trồng cây xanh.

Một trong những điểm nhấn của ngôi trường là bức phù điêu "Nữ sinh Đồng Khánh" do nữ sinh niên khóa 1972-1973 tặng. Tác giả của bức phù điêu là 3 họa sĩ Nguyễn Khoa Nhi, Phan Thế Bính và Trần Trọng.

Đến nay, nhà trường đã gia cố hay xây dựng thêm một số công trình, tuy nhiên dáng vẻ ngôi trường, kể cả màu vôi hồng thắm, các họa tiết hoa văn từ thời Pháp hầu như không thay đổi.

Duy có một chi tiết cô Nguyễn Khoa Diệu Huyền, nguyên hiệu phó của trường, tiếc nuối là thời cô còn là học trò, trên vách tường cửa lớp học có hình ảnh thiếu nữ cầm kỳ thi họa và thêu may do họa sĩ Tôn Thất Đào vẽ. "Sau nhiều lần sơn quét và trùng tu, các bức họa không còn giữ nữa", cô Huyền nói.

Hành lang ở dãy phòng học rất rộng, được làm cửa lá hai lớp kiểu Pháp, đảm bảo ánh sáng tự nhiên cho các lớp học.

Hành lang ở khu nhà chơi với các cột gạch được xây kiểu mái vòm rất mềm mại, phù hợp với phong cách nữ sinh.

Ô văn tường rào ngôi trường sau 100 năm vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.

Cô Diệu Huyền kể, sau 85 năm, tình cờ khi chuẩn bị trùng tu, thợ đào một phần móng thử độ bền đã tìm thấy hộp thiếc có 10 đồng xu, văn bản lễ đặt đá có chữ ký của vua Khải Định, 4 đại thần và bên Pháp thì có chữ ký toàn quyền Đông Dương.

Những người thợ lúc ấy chuyền tay đọc nên bản tiếng Việt bị nát, chỉ còn bản tiếng Pháp. Riêng hộp thiếc vừa đưa ra không khí thì bị rã ngay. Ban đầu thợ chỉ đưa 9 đồng tiền, một tuần sau do sợ đau ốm vì "linh khí", người thợ tới giao thêm một đồng định cất giấu. 

Những hiện vật này hiện được lưu giữ ở tầng 2 phòng truyền thống.

Ngoài hộp thiếc của vua Khải Định, phòng truyền thống còn lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu từ ngày trường mới thành lập, trong đó có bộ áo dài nữ sinh, hình ảnh cổng trường cũng là biểu tượng trường được in trên logo, panô, bảng tên học sinh...

Nữ sinh Đồng Khánh 2
 
 

Bài hát "Đồng khánh tôi mơ" được viết nhân kỷ niệm 100 năm thành lập trường, lời thơ Nguyễn Hoàng Anh Thư, nhạc Trương Pháp. 

Nguyễn Hoàng Anh Thư