Người dân trình bày bức xúc với các đoàn kiểm tra. |
Vụ trưởng Vụ đất đai, trưởng đoàn kiểm tra số 1 Nguyễn Khải cho hay riêng Bà Rịa - Vũng Tàu, trong 5 ngày làm việc đoàn phải bố trí 8 buổi tiếp hơn 2.000 lượt người, nhận 799 đơn khiếu nại, nghe hơn 200 ý kiến. Gần tháng nay, hôm nào cũng vậy, sau 13h chiều đoàn mới được ăn cơm trưa, sau 21h tối mới tiếp dân xong. Điện thoại của ông Khải cứ 2 phút lại có cuộc gọi, lịch làm việc dày đặc khiến ông sau 22h mới xem được tin nhắn. Bản thân ông và các thành viên mệt rũ người và khản cả giọng. Không chỉ có các địa phương đoàn đến, thậm chí cả những nơi khác cũng điện cho ông vì họ cứ nghĩ đoàn sẽ đến làm việc. "Số điện thoại của tôi công bố trên báo chí. Có cô gọi từ Điện Biên vừa nói vừa khóc kêu nhà cháu giấy tờ đầy đủ nhưng ở xa nên bị người khác đến làm nhà. Tôi chẳng biết nói sao chỉ khuyên cô ta có giấy tờ đầy đủ rồi thì đưa đơn ra tòa để họ giải quyết rồi cưỡng chế", ông Khải kể. Không gọi điện hay gặp trực tiếp được, người dân tìm đến cả chỗ ở của đoàn, hay nhắn tin liên tục để hẹn gặp.
Ông Khải kể tiếp: “Gửi đơn xong, người dân liên tục điện thoại cho tôi thắc mắc liệu đơn gửi như vậy có hiệu quả không. Người dân than rằng đơn của họ gửi cho huyện, tỉnh đều rơi vào im lặng nên đây là cơ hội không thể lỡ”.
Vụ trưởng Vụ thống kê đất đai kiêm trưởng đoàn số 2 Phùng Văn Nghệ cũng cho hay, tại Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hải Phòng, dù không có lịch tiếp dân, cứ hết giờ họ lại đến tìm đoàn, số đơn khiếu nại nếu xếp đầy đủ phải dày tới hàng mét. Tất cả những đơn này đều được đoàn phân loại chuyển trả lại cho các tỉnh giải quyết.
Hầu hết vấn đề người dân phản ánh đều tập trung vào những bức xúc về giải tỏa đền bù tái định cư chưa hợp lý. Có huyện như Nhơn Trạch (Đồng Nai) triển khai hàng trăm dự án, số đất thu hồi lớn mà không bố trí khu tái định cư kịp thời, tiền trợ cấp cho dân thuê nhà chi trả chậm khiến khiếu kiện phổ biến ở nhiều nơi.
Tổng kết 20 ngày kiểm tra đất đai, ông Khải nhận xét, thực tế cho thấy Luật Đất đai đã ảnh hưởng trực tiếp tới mọi người dân, nhất là ở những nơi có sự chuyển dịch lớn từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp nên những bức xúc của người dân là chuyện dễ hiểu. Kết quả từ những buổi làm việc cho thấy cần tăng cường cơ hội để các nhà làm luật, quản lý luật nghe được tiếng nói trực tiếp từ dân như một sự “phản biện” chân thực nhất đối với luật.
Báo cáo kiểm tra tại một số tỉnh Nghệ An: Chỉ trong vòng 4 tiếng đồng hồ buổi sáng làm việc tại TP Vinh đã có 70 trường hợp đến phản ánh và gửi đơn kiện xung quanh vấn đề đất đai. Khi tiếp xúc với bà con xã Văn Sơn (huyện Đô Lương), Đoàn được bà con phản ánh có 450 hồ sơ cấp sổ đỏ đã gửi lên Phòng Tài nguyên môi trường huyện hơn một tháng nhưng vẫn chưa cấp sổ. Sau khi đi lại nhiều lần, bà con được hướng dẫn viết giải trình về tăng giảm diện tích đất, sau lại ra thông báo có mẫu mới và yêu cầu bà con làm theo mẫu mới. Hà Tây: Giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do chưa có những điều chỉnh kịp thời đối với từng loại giá đất, nhất là ở những khu vực giáp ranh với Hà Nội, chẳng hạn ở huyện Hoài Đức, khu vực Ngã Tư Canh giá đền bù là 3,2 triệu đồng/m2 nhưng trên thực tế giá thị trường là 20 triệu đồng/m2; ở Lai Xá là 2,4 triệu đến 25 triệu đồng. Chính vì giá quy định với giá thị trường chênh lệch “một trời một vực” nên người dân không chịu di chuyển. Hải Dương: có nhiều dự án phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp nên việc giải phóng mặt bằng đang là vấn đề bức xúc. Tại phường Hải Tân, đoàn kiểm tra được ông Nguyễn Văn Khang, Bí thư xã, cho biết, dự án khu đô thị Soi Nam với diện tích quy hoạch là 30 ha thuộc dự án phát triển khu đô thị có quyết định thu hồi đất từ tháng 11/2004 nhưng đến nay dân vẫn chưa được nhận tiền đền bù. Có những dự án người dân “làm khó” cho nhà đầu tư. Ví dụ, Khu công nghiệp và đô thị tại thị trấn Sao Đỏ, Chí Linh của Công ty Cổ phần Việt Tiên Sơn hơn 1 năm chưa đền bù xong vì còn khoảng 15 hộ dân đòi 1 sào giá đền bù tới 40 triệu đồng. Vĩnh Long: Trong hồ sơ xin giao đất có đến 7-8 loại giấy tờ khác nhau, nhiều trường hợp giấy tờ không có trong quy định và nội dung ghi không thống nhất giữa các loại. Những thiếu sót này, một phần do trình độ năng lực của cán bộ địa chính hạn chế, mức độ kiêm nhiệm lại cao. Anh Trần Văn Bản (cán bộ địa chính xã An Phước, huyện Mang Thít) cho biết ngoài công việc chuyên môn, anh còn kiêm nhiệm cả việc thu thuế, giao thông nông thôn, công trình thủy lợi ở địa phương. Toàn tỉnh vẫn chưa có sổ theo dõi biến động quyền sử dụng đất. Việc lập sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa theo quy định, mỗi xã có hàng trăm quyển và hàng trăm hệ thống số thứ tự. Đà Nẵng: Đoàn đã dành ra 2 buổi sáng để tiếp xúc, trao đổi và tiếp nhận đơn, thư khiếu nại của bà con. Trong số 52 trường hợp trực tiếp gặp đoàn trình bày những bức xúc của mình thì có đến 35 trường hợp do vướng chính sách đền bù, giải tỏa, tái định cư, còn lại là 11 trường hợp tranh chấp đất đai, 2 trường hợp khiếu nại về các quyết định hành chính và 4 trường hợp khác. Nóng nhất trong vấn đề bồi thường, bố trí tái định cư khi thu hồi đất tập trung vào mức giá đền bù về đất quá thấp so với mức giá đã có đầu tư hạ tầng và việc làm của người dân sau tái định cư. Gia Lai: Phân cấp việc cấp sổ đỏ cho hộ gia đình và cá nhân về cho các huyện nhưng chế độ báo cáo không được duy trì tốt nên đến nay, Sở Tài nguyên Môi trường gần như không nắm được cấp dưới đang làm gì. Sở cũng không nắm được chính xác con số nhân sự tại các phòng cấp huyện. Báo cáo của Sở nêu con số tại phòng Tài nguyên Môi trường thành phố Pleiku là “7 biên chế”, nhưng kiểm tra thực tế cho thấy ở đây đang có tới... 20 người làm việc, gồm 8 biên chế và 12 hợp đồng. Khi làm việc tại huyện Mang Yang, hàng chục người dân đã “bao vây” đoàn kiểm tra số 7 để gửi đơn thư khiếu nại. Ông Nguyễn Bình Rịnh, tổ trưởng tổ dân phố số 4, thị trấn Kon Dỡng, huyện Mang Yang, bức xúc: “Tổ dân phố này có 171 hộ dân mà 95% chưa có sổ đỏ. Dân chúng tôi có cảm giác làm sổ đỏ là cái gì đó hết sức khó khăn, nay đòi giấy này, mai đòi giấy khác nên ai cũng ngại làm. Bản thân tôi đã kê khai xong, nộp đơn rồi chờ mãi, cán bộ địa chính đến báo đã thất lạc. Tôi không vay mượn, không thế chấp, không cần làm sổ đỏ nữa”. (Nguồn: Bộ Tài nguyên Môi trường) |
Việt Phong