Theo đề án tuyển sinh công bố hôm 8/5, mức tăng mạnh nhất ở ngành Y tế công cộng với 45 triệu đồng một năm, tăng 8 triệu đồng so với học phí năm ngoái.
Các ngành Điều dưỡng, Điều dưỡng chuyên ngành Gây mê hồi sức, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Dinh dưỡng thu học phí 41,8 triệu đồng một năm, tăng 4,8 triệu đồng.
Các ngành có mức tăng thấp hơn là Y học dự phòng, Y học cổ truyền với học phí 45 triệu đồng một năm, tăng 3,2 triệu đồng.
Ba ngành giữ nguyên học phí là Răng - Hàm - Mặt, Y khoa, Dược học, thu lần lượt 77; 74,8 và 55 triệu đồng một năm. Đây cũng là ba ngành có mức thu học phí cao nhất của trường.
Năm nay, tổng chỉ tiêu của trường Đại học Y Dược TP HCM dự kiến là 2.415, tương tự năm ngoái. Trong đó, ngành Dược học tuyển nhiều nhất với 560 chỉ tiêu, Y khoa xếp sau với 400 chỉ tiêu.
Ngoài khối B00 (Toán, Hóa, Sinh), lần đầu tiên trường Đại học Y Dược TP HCM tuyển sinh bằng tổ hợp khối A00 (Toán, Lý, Hóa) với các ngành Y học dự phòng, Dinh dưỡng, Y tế công cộng, Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học và Kỹ thuật phục hồi chức năng. Năm ngoái, chỉ ngành Dược học xét tuyển bằng hai tổ hợp A00 và B00.
Cả hai tổ hợp được xét tuyển chung, nhưng chỉ tiêu xét theo tổ hợp A00 chiếm 25% chỉ tiêu ngành (trừ ngành Dược học). Các ngành Y khoa, Y học cổ truyền và Răng - Hàm - Mặt chỉ xét tuyển bằng tổ hợp B00.
Trường vẫn duy trì bốn phương thức xét tuyển: Điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023; Kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế từ 5.0 hoặc 6.0 IELTS và tương đương, tùy ngành; Xét tuyển thẳng; Thí sinh dự bị đại học.
Năm ngoái, điểm chuẩn trường Đại học Y Dược TP HCM dao động 19,05-27,55. Ngành lấy điểm trúng tuyển cao nhất là Dược học, thấp nhất là ngành Hộ sinh.
Lệ Nguyễn