Dự thảo bộ tiêu chí đánh giá đang được Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM lấy ý kiến nhằm chuẩn bị cho giáo viên, học sinh trở lại trường tại quận, huyện an toàn phòng chống Covid-19.
Bộ tiêu chí tại cơ sở giáo dục mầm non gồm 10 thành phần: Số lượng trẻ, giáo viên, nhân viên tối đa cùng một thời điểm; khoảng cách giữa người với người trong phòng sinh hoạt; khoảng cách mỗi người bên ngoài; rửa tay sát khuẩn; đeo khẩu trang; kiểm tra thân nhiệt; tổ chức xe đưa đón; tổ chức ăn sáng, bán trú; có phòng cách ly; thời gian hoạt động sau 16h30.
Điểm đánh giá tối đa cho mỗi thành phần là 10. Trường càng ít học sinh, khoảng cách giữa mọi người càng lớn, có điều kiện đảm bảo an toàn như rửa tay, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, phòng cách ly, không tổ chức ăn sáng, bán trú, không hoạt động sau 16h30, điểm đánh giá càng cao.
Tổng điểm tiêu chí an toàn là 100, được quy ra phần trăm. Mức độ an toàn và biện pháp với từng mức điểm như sau:
Điểm đánh giá | Biện pháp |
Từ 90% đến 100% | Mức độ an toàn rất cao; được tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, dạy học. |
Từ 70% đến dưới 90% | Mức độ an toàn cao; được tổ chức hoạt động; phải kiểm tra định kỳ để khắc phục hạn chế. |
Từ 50% đến dưới 70% | Mức độ an toàn trung bình; có thể tổ chức hoạt động nhưng phải thường xuyên kiểm tra để khắc phục hạn chế ở tiêu chí có điểm thành phần thấp. |
Từ 30% đến dưới 50% | Mức độ an toàn thấp; phải có giải pháp đảm bảo an toàn mới được tổ chức hoạt động. |
Dưới 30% | Mức độ an toàn rất thấp; không được tổ chức hoạt động. |
Bộ tiêu chí tại cơ sở giáo dục phổ thông (tiểu học đến THPT) cũng gồm các tiêu chí, cách tính điểm, đánh giá và biện pháp tương tự. Riêng tiêu chí "thời gian hoạt động sau 16h30" ở cơ sở giáo dục mầm non được thay bằng "trường có học sinh nội trú".
Như vậy, dự thảo này không thay đổi nhiều so với bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch ở trường học do Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM ban hành tháng 4/2020.
>> Xem toàn văn bộ tiêu chí tại đây
Hai hôm trước, Sở Giáo dục và Đào tạo trình UBND TP HCM phương án mở cửa trường học tại quận, huyện được xác định an toàn phòng chống Covid-19. Việc này thực hiện theo chỉ đạo của Thường trực UBND thành phố xây dựng chiến lược, kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau ngày 15/9.
Theo đó, việc mở cửa ưu tiên lớp nhỏ (mầm non, lớp 1, 2) và cuối cấp (lớp 9, 12), tiếp đó các lớp 5, 6, 10 và lớp còn lại. Lớp sẽ được chia nhỏ, chỉ học một buổi, ưu tiên khối ngoài công lập do không vướng tham gia phòng, chống dịch.
Muốn mở cửa, các trường phải đảm bảo điều kiện: Được đánh giá theo bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch, giáo viên tiêm đủ 2 mũi vaccine trước ngày đến trường ít nhất 2 tuần. Việc dạy trực tiếp cho học sinh trên tinh thần tự nguyện; dạy trực tuyến, qua truyền hình vẫn duy trì cho những em không thể đến trường.
Năm học 2021-2022, thành phố có 1,71 triệu học sinh tất cả cấp với hơn 2.400 trường học, chưa tính nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục. Hiện 1.600 trường được sử dụng cho công tác chống dịch (làm nơi cách ly, nơi tiêm vaccine, trạm y tế lưu động, bộ đội đóng quân).
Đến nay, TP HCM ghi nhận hơn 286.000 ca nhiễm. Toàn thành phố đang giãn cách, việc học trực tuyến được xác định kéo dài đến hết học kỳ I. Từ đầu tháng 9, hơn 1,3 triệu học sinh từ tiểu học đến THPT đã tập trung, làm quen cách học này. Khoảng 340.000 trẻ mầm non chưa đến trường.