Sáng 8/9, Quân tự giác dậy sớm, thay bộ quần áo thích nhất, giục mẹ "mở" lớp học trên máy tính để được gặp cô giáo, bạn bè. Chị Đỗ Yến Hoa, mẹ của Quân, kể hơn một tuần trước, khi được thông báo sắp "tựu trường" online, ngày nào con trai cũng hỏi "sắp tới ngày học chưa mẹ". Cậu bé chuẩn bị cả tranh vẽ, tập giới thiệu bản thân nếu cô giáo mời phát biểu.
Phải lùi hơn 15 phút, buổi gặp đầu năm mới trên Zoom mới diễn ra bởi nhiều phụ huynh gặp trục trặc do mạng yếu, phần mềm chập chờn. Được mẹ ngồi kèm sát bên, Quân chăm chú nghe cô giáo nói, thỉnh thoảng cười thích thú.
Cô giáo viên chủ nhiệm lớp 1/4, chào phụ huynh và học trò trước khi giới thiệu bản thân, trường lớp. Lớp có 49 học sinh, hiện 8 em ở quê, trong đó 2 em đăng ký học tạm tại một trường tiểu học. Cô giáo sau đó thông báo về bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo, nội dung lớp học, kế hoạch dạy trực tuyến, hướng dẫn phụ huynh, học sinh cách vào lớp, tắt mic, giơ tay phát biểu.
Hơn nửa tiếng sau đó, Quân bắt đầu không tập trung rồi xin mẹ cho nghỉ một lát. Trên màn hình, nhiều học sinh cũng rời máy tính, cô giáo chuyển qua phần trao đổi với phụ huynh về phương pháp, thời gian học tập, chia sẻ những khó khăn.
Theo lịch từ ngày 8 đến 17/9, lớp 1/4 sẽ có 3 buổi học, giáo viên dạy trực tiếp qua Zoom để học sinh làm quen với cách học trực tuyến, các thao tác cơ bản. Khi vào học chính thức từ ngày 20/9, mỗi sáng sẽ có 2 tiết Toán và Tiếng Việt.
Khác với Quân, nhiều phụ huynh ở TP HCM sáng nay vất vả khi đánh thức con dậy, chuẩn bị vào lớp. Chị Lê Thị Huyền, phụ huynh lớp 1/6 trường Tiểu học Thực hành Đại học Sài Gòn (quận 3), mất hơn mười phút dỗ dành con trai, giúp con vệ sinh cá nhân trước khi ngồi vào bàn học lúc 8h30.
Được hơn nửa tiếng, con trai chị Huyền phụng phịu xin mẹ cho nghỉ. "Ngày đầu chưa quen nên cháu mau chán. Từ nay đến ngày học chính thức, tôi sẽ tập để bé quen dần nề nếp và tập trung hơn", người mẹ chia sẻ.
Ở các lớp lớn hơn, buổi tập trung diễn ra ngắn gọn, đơn giản bởi học sinh đã quen cách học online. Tại trường Tiểu học Thực hành Đại học Sài Gòn, cô Phạm Đình Cúc Hân, giáo viên chủ nhiệm lớp 3/1 gặp lại 28 học sinh, vốn là học trò cũ từ năm lớp 1. Nhiều em tự thao tác một mình trước máy tính.
Gặp lại cô giáo sau nhiều tháng không đến trường, học sinh tíu tít hỏi thăm. Dù đã quen tên, biết sở thích của từng học trò, cô Hân vẫn dành hơn gần một tiếng để từng em giới thiệu về mình. Cô giáo cũng chuẩn bị video giới thiệu bản thân, trong đó chia sẻ mong muốn trong năm học và phương châm giáo dục. Cả lớp sau đó được tham gia trò chơi tương tác theo dạng câu hỏi trắc nghiệm để hiểu hơn về trường, cô giáo và bạn bè.
Theo cô Hân, đây là năm học học đặc biệt bởi giáo viên và học sinh phải gặp gỡ trực tuyến ngay từ đầu năm học. Ấn tượng ban đầu rất quan trọng để tạo sự hứng thú học tập cho các em. Thay vì đọc bảng nội quy giờ học online, cô chuyển tải thành video, đồng thời tổ chức nề nếp lớp bằng "stickers online".
Cô Hân cho rằng, dạy trực tuyến vất vả hơn trực tiếp, nhưng cũng là cơ hội để giáo viên trau dồi kiến thức về công nghệ. Để khắc phục hạn chế khi dạy online, giáo viên phải tập trung xây dựng bài giảng E-learning chất lượng để mang lại hiệu quả cao nhất, giảm bớt khó khăn khi học sinh tập trung trở lại.
"Thử thách lớn nhất khi dạy online là phải lôi cuốn học sinh, do đó bài dạy phải được chau chuốt, biên tập kỹ lưỡng, màu sắc sinh động, lý thú. Thời gian đầu, các em sẽ gặp một chút khó khăn nhưng tôi tin, với sự hỗ trợ của phụ huynh, các em sẽ quen dần thao tác để có thể học trực tuyến hiệu quả", cô Hân nói.
Năm nay, trường Tiểu học Thực hành Đại học Sài Gòn có 17 lớp từ khối 1 đến khối 3. Ngoài giáo viên chủ nhiệm, mỗi lớp có thêm một cô bảo mẫu hỗ trợ sinh hoạt, ở lớp Tiếng Anh tăng cường sẽ có thêm giáo viên tiếng Anh. Từ nay đến ngày 19/9, giáo viên sẽ tách lớp thành hai nhóm, củng cố kiến thức năm cũ cho học sinh với học sinh khối 2 và 3. Với học sinh khối 1, thầy cô chủ yếu rèn nền nếp, hướng dẫn một số thao tác học online, các nét cơ bản.
Khi học chính thức, lịch học diễn ra hàng ngày nhưng được xây dựng nhẹ nhàng, gọn nhẹ. Học sinh sẽ xem video bài giảng E-learning, họp nhóm qua ứng dụng Google Meet để được giáo viên sửa bài, giải đáp thắc mắc.
Trong bối cảnh số ca Covid-19 ở TP HCM đã vượt 265.000, toàn thành phố vẫn đang giãn cách, việc học trực tuyến được xác định kéo dài đến hết học kỳ I. Hàng loạt trường tiểu học hôm nay tổ chức cho học sinh tập trung qua Zoom, Google Meet, MS Teams hoặc các phần mềm học tập khác. Một số trường do chờ chốt danh sách học sinh tham gia nên tập trung muộn hơn.
Theo kế hoạch, hơn 680.000 học sinh tiểu học được hướng dẫn cách học online, củng cố kiến thức từ nay đến hết ngày 19/9. Tiếp đó, học sinh sẽ học tập chương trình mới. Ngoài các tiết học online, bài giảng E-learning của trường, lớp 1 và 2 có thêm các video bài giảng do Phòng Giáo dục và Đào tạo quận huyện sản xuất, chương trình dạy học trên truyền hình.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu cho biết, với học sinh tiểu học, đặc biệt lớp 1 và 2, nội dung dạy học theo hướng tinh gọn, tập trung vào Toán và Tiếng Việt. Mục tiêu của dạy học trực tuyến với lớp 1, 2 là đạt được yêu cầu tối thiểu, học sinh biết đọc, viết, làm toán.
Giáo viên không đặt ra yêu cầu cao, không chạy theo tiến độ dạy học và phân phối chương trình. Hoạt động dạy học trực tuyến được xem là cách để học sinh thích thú việc học, biến quá trình học tập hàng ngày thành hoạt động vui học.