Ông A là một học giả nổi tiếng, có ảnh hưởng tại Việt Nam. Yếu tố "giật gân" được giải thích ngay từ đầu bài viết, đăng trong giao diện nhái một tờ báo uy tín. Ông A bị kiện vì đã tiết lộ bí mật quan trọng về tiền tệ trong cuộc trò chuyện với ông B - một người nổi tiếng khác - được phát sóng trực tiếp trên truyền hình. Ngân hàng Nhà nước vì thế yêu cầu dừng sóng, đồng thời kiện ông A. Bài viết tóm tắt cuộc trò chuyện giữa hai người, nhưng nội dung này cũng có thể bị gỡ bất cứ lúc nào.
Tiếp theo, bài tường thuật lại "cuộc trao đổi" nêu trên. Một phần nội dung nhắc đến những cách làm giàu mà không nhất thiết phải làm việc quá chăm chỉ, đặc biệt là làm giàu trên internet. Để chứng minh, một trong hai người dùng điện thoại thực hiện một số thao tác đầu tư với 6,5 triệu đồng. Chỉ sau mười phút, số tiền tăng lên 7,5 triệu, tương ứng lợi nhuận 15%. Người này giải thích anh sử dụng một kênh đầu tư tiền số tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), và đề nghị người kia hình dung số tiền sẽ tăng lên bao nhiêu sau một tuần hay một tháng. Đúng lúc này, cuộc trò chuyện bị gián đoạn bởi cuộc gọi từ Ngân hàng Nhà nước yêu cầu dừng phát sóng chương trình. Cuối bài viết có một đường link dẫn đến nền tảng đầu tư nhân vật đã sử dụng.
Lúc này, tôi mới để ý đến đường dẫn trang web mình đang xem. Khi lướt web bằng điện thoại, người dùng thường ít chú ý tới chi tiết này. Địa chỉ web chứa tên tờ báo, nhưng trong một đường dẫn khác lạ. Sau một vài động tác kiểm tra khác, tôi nhận ra tất cả đều là giả: hai người nổi tiếng bị lợi dụng tên tuổi, thông tin và câu chuyện bị bịa đặt, tờ báo bị mạo danh. Tôi biết mình vừa mắc phải sai lầm nhưng chưa quá nghiêm trọng.
Tôi đã bị cuốn vào một phần của quá trình "lùa gà", với kịch bản quen thuộc tiếp theo sau khi giăng lưới: dùng mồi nhử để khuyến khích người chơi nộp tiền, cho họ chút lợi nhuận nhanh chóng, trước khi cái bẫy thực sự sập xuống.
"Lùa gà" là cách gọi nôm na các hình thức lừa đảo nhắm đến những người thiếu kiến thức và kinh nghiệm đầu tư, dụ dỗ họ tham gia các dự án hứa hẹn lợi nhuận cao trong thời gian ngắn. Nhưng đó thực chất là bẫy tài chính. Các hình thức này có thể được thiết kế để trông như hợp pháp, lợi dụng các kênh đầu tư được công nhận như chứng khoán, bất động sản hay mô hình kinh doanh đa cấp. Nhưng chúng cũng không ngần ngại sử dụng các kênh đầu tư chưa được Nhà nước bảo hộ như tiền số (crypto), sàn giao dịch ngoại hối (forex), sàn vàng quốc tế.
Điều này đặt ra câu hỏi: Vậy đâu là những dấu hiệu báo trước khả năng mất tiền oan?
Một trong những dấu hiệu phổ biến nhất là cảm giác cấp bách, khi kẻ lừa đảo tạo ra áp lực thời gian, buộc bạn phải quyết định ngay lập tức. Thủ đoạn này đánh vào phản ứng sử dụng "lối tắt" trong tư duy của con người. Mặc dù những "lối tắt" này hữu ích trong các tình huống khẩn cấp, chúng dễ dẫn đến quyết định sai lầm, vì con người sẽ bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo hoặc không đủ thời gian để kiểm tra tính hợp lý của thông tin.
Kẻ lừa đảo cũng thường hứa hẹn lợi nhuận cao bất thường, giúp bạn làm giàu nhanh chóng mà không đối mặt với rủi ro hay tốn công sức. Để tăng tính thuyết phục, chúng sử dụng những từ ngữ hoa mỹ và hình ảnh thành công được dựng lên một cách tinh vi. Trong câu chuyện trên, uy tín và tầm ảnh hưởng của hai nhân vật trong cuộc trò chuyện, cũng như độ tin cậy của trang báo đã bị lợi dụng.
Tâm lý đám đông và cảm giác FOMO (sợ bị bỏ lỡ) của con người cũng bị khai thác triệt để. Ví dụ điển hình là chiêu trò "bơm giá rồi bán tháo" trên thị trường chứng khoán. Kẻ lừa đảo kiểm soát một lượng lớn cổ phiếu và thổi phồng giá trị bằng thông tin sai lệch qua email rác, và các bài đăng trên mạng xã hội. Sự bùng nổ này tạm thời làm tăng nhu cầu và tăng giá cổ phiếu, thu hút người mua theo đà tăng giá. Khi giá đạt đỉnh, chúng bán tháo cổ phiếu, rút khỏi chiến dịch, khiến giá sụt giảm mạnh và để lại những người mua sau cùng với thua lỗ nặng nề.
Nhận biết những dấu hiệu này là điều cần thiết trước hết để tránh biến mình thành "gà". Sau đó, bạn nên thiết lập một số kỷ luật tài chính nhằm kiềm chế lòng tham và giữ cho bản thân cái đầu lạnh trước biển thông tin thật giả lẫn lộn. Đừng nghĩ "tham quá nên mới bị lừa". Điều này đúng nhưng không đủ, bởi phần lớn chúng ta chỉ phát biểu khi chưa rơi vào bẫy. Những chiêu thức mà kẻ lừa đảo giăng ra được thiết kế tinh vi, đánh vào các điểm yếu tâm lý con người vào những lúc không ngờ tới nhất, trong những hoàn cảnh tưởng chừng hợp lý nhất.
Vượt qua lòng tham không dễ dàng, bởi đó là một phần sâu thẳm trong bản chất con người. Vì thế, đừng vội phán xét hay "ném đá" những ai từng mắc bẫy, và cũng đừng chủ quan nghĩ "đừng tham thì không bị lừa".
Nhưng để không bị lòng tham thao túng, hãy lập thiết lập ngân sách và hoạch định tài chính cho bản thân để mỗi khoản tiền có một "nhiệm vụ" hợp lý riêng. Bạn cũng nên đặt ra quy tắc với người thân như vợ chồng của mình rằng khi quyết định dùng tiền từ một khoản lớn quy ước nào đó, chúng ta cần thông báo trước cho người kia.
Nhưng ngay cả khi đã chặt chẽ như thế, bạn cũng có thể giống như tôi, lỡ tay đưa mình vào vòng vây đầu tiên, giai đoạn tôi tạm gọi là "trước khi tôi mất tiền". Lúc này, có bốn câu hỏi, mà tôi hy vọng hữu ích cho bạn:
Tại sao tôi thực sự muốn điều này? - Câu hỏi giúp bạn xác định động lực thật sự sau hành động mà bạn sắp thực hiện.
Tôi có đang tham không (hoặc Cơ hội kiếm tiền này có dễ dàng quá không)? - Khi bạn đứng trước một cơ hội đầu tư hoặc quyết định quan trọng, hãy tự hỏi liệu điều này có quá tốt để là sự thật không.
Tôi có đang lo lắng và sợ hãi điều gì không? - Nỗi sợ hãi có thể làm bạn mất lý trí, dễ rơi vào bẫy. Kẻ lừa đảo thường khai thác sự bất an, khiến bạn đưa ra những quyết định dựa trên cảm xúc hơn là lý trí. Vậy hãy kiểm tra xem quyết định của mình có bị chi phối bởi trạng thái tâm lý nhất thời không.
Tôi có đang hành động quá vội vã không? - Trước khi ra quyết định, hãy tự hỏi liệu bạn đã dành đủ thời gian để tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin và đánh giá các rủi ro chưa.
Cuối cùng, "không ai nắm tay được tới tối", nếu bạn đã lỡ mất tiền, hoặc kịp nhận ra ở giai đoạn "trước khi mất tiền", hãy chia sẻ rộng rãi thông tin và trải nghiệm đó, bởi chúng sẽ hữu ích cho cộng đồng.
Đức Nguyễn