Hàng triệu chiếc xe máy chen chúc trên các tuyến đường Sài Gòn mỗi ngày. Quãng đường đi làm của tôi hơn 10 km, mất hàng giờ đồng hồ vì kẹt xe. Có những biển chỉ dẫn dễ thương như "Lối đi vào hẻm A ra đường B khi kẹt xe" là một giải pháp "khơi dòng chảy" vào các nhánh nhỏ hơn.
Vì thế ngày trước, khi vừa đến ngã tư kẹt cứng, tôi và nhiều người bất đắc dĩ phải leo lên vỉa hè để rẽ phải. Phải thú thật rằng, dù biết leo lề là phạm luật, là không đúng, nhưng trong hoàn cảnh đó, tôi chẳng còn cách nào khác. Tôi cũng tự nhủ: "Làm vậy để những người đi thẳng không phải chờ thêm một nhịp đèn giao thông".
Nhờ những mẹo như vậy, tôi tiết kiệm được gần một giờ đồng hồ mỗi ngày. Nhưng lần nào tôi cũng cảm thấy ngượng ngùng, bị hàng trăm cặp mắt khác nhìn mình.
Từ khi mức phạt mới trong Nghị định 168/2024 được áp dụng, rất nhiều người không còn dám leo lề nữa. Mức phạt 4-6 triệu đồng cho xe máy leo vỉa hè đã khiến tôi và nhiều người chùn chân. Một tuần nay, thời gian tôi về nhà tăng thêm hơn một tiếng vì kẹt xe nặng hơn.
Nhiều người bảo giao thông giống như dòng chảy: xe cộ là nước, vỉa hè là bờ. Khi đường sá tắc nghẽn, "nước" buộc phải tràn bờ. Nhưng bây giờ, với các mức phạt tăng cao, bờ đã được be cao hơn.
Luật thì rõ ràng: leo lề là sai, xử phạt là đúng. Nhiều người lại bảo khi cơ sở hạ tầng không đủ đáp ứng nhu cầu giao thông, những người leo lề cũng chỉ bất đắc dĩ.
Nhưng ở một thành phố lớn như Sài Gòn, nhiều nơi, vỉa hè bị lấn chiếm để buôn bán hoặc trở thành bãi xe tự phát. Nếu xử lý mạnh tay người leo lề, thì cần xử lý luôn những người lấn chiếm vỉa hè một cách triệt để.
Hơn nữa, việc nâng mức phạt lên cao mà cơ sở hạ tầng vẫn như cũ, khiến người dân cảm thấy áp lực. Nhiều người sợ đến mức thái quá, tự làm khó mình, nhưng cũng không hẳn là ý thức tốt hơn mà đơn giản vì sợ phạt.
Tôi nhận sai, không biện minh gì cho hành động leo lề để được về nhà sớm của mình thời gian trước.
Tôi sẽ tự thay đổi: Dậy sớm hơn để đi làm, hoặc ở lại văn phòng thêm chút nữa để né giờ cao điểm. Nhưng để giao thông tốt hơn, không chỉ cần người dân tự điều chỉnh, mà cần sự đồng hành từ phía cơ quan quản lý.
Đó là xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, tạo không gian thông thoáng và công bằng cho mọi người. Bên cạnh đó cải thiện cơ sở hạ tầng là các giải pháp giảm ùn tắc.
Bấy lâu nay, chúng ta đã quen với việc xí xóa những vi phạm nhỏ như leo lề, nhưng khi luật phạt nặng, dòng chảy này buộc phải tìm cách thích nghi. Hy vọng rằng, sự đồng lòng và ý thức sẽ đưa giao thông trở nên văn minh hơn.
Ngọc Hải