Giám đốc Công ty may Tân Phú Cường Nguyễn Ngọc Thủy cho biết, kết quả này khiến ông rất bất ngờ, bởi trước đây đã có lần ông "cá" với bạn bè của mình rằng VN sẽ không thể kết thúc đàm phán với Mỹ và gia nhập được WTO trong năm nay.
Dệt may là một ngành tạo rất nhiều công ăn việc làm cho người lao động, đặc thù của ngành là đòi hỏi một thị trường mở, nếu còn bị hạn chế bởi hạn ngạch thì rất khó phát triển. Vì thế, một thị trường lớn như Mỹ được mở hoàn toàn cũng có nghĩa là cơ hội để hàng VN xâm nhập vào sẽ tăng lên.
Theo ông Thủy năm nay là thời điểm đẹp nhất để VN gia nhập WTO. Hiện tại, Trung Quốc vẫn đang bị áp hạn ngạch dệt may, do vậy nếu VN có cơ hội đi sớm hơn một bước trước khi Trung Quốc hoàn toàn không phải chịu hạn ngạch vào năm 2008 thì sẽ là một cơ hội rất tốt.
"Càng chậm vào WTO bao nhiêu thì khó khăn càng nhiều bấy nhiêu. Tất nhiên, hội nhập cũng có nghĩa là các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng những thách thức này cũng chính là động lực để các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh. Chắc chắn khi VN hội nhập vào sân chơi toàn cầu, những doanh nghiệp tư nhân như Tân Phú Cường sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hơn", ông Thủy nhấn mạnh thêm.
Tài chính - ngân hàng, bảo hiểm hồi hộp chờ
Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) Lý Xuân Hải cho biết, ACB đã chuẩn bị hơn 3, 4 năm nay cho tiến trình hội nhập, trong đó, thu hút nhà đầu tư nước ngoài để tiếp cận công nghệ, chiến lược kinh doanh được ACB đặc biệt lưu tâm. Do vậy, ACB luôn mong muốn VN sớm kết thúc đàm phán với Mỹ để nhanh chóng được gia nhập. Mặc dù giữa VN và Mỹ chưa đưa ra thỏa thuận nhưng việc kết thúc đàm phán cũng là một điều tốt đẹp cho VN. Đây là cơ hội tốt cho VN sớm được gia nhập, đồng thời cũng là một niềm vui lớn cho ngành tài chính.
Nhiều ngân hàng cho biết đã có sự chuẩn bị khá tốt trước khi tham gia vào sân chơi thương mại toàn cầu. Ảnh: Hoàng Hà. |
"Tất nhiên, hội nhập cũng có nghĩa là cạnh tranh sẽ tăng lên, áp lực với các ngân hàng cũng tăng lên bởi khi môi trường kinh doanh thay đổi, chắc chắn các dịch vụ đưa ra cũng phải tốt hơn mới thu hút được khách hàng", ông Hải nói.
Một cán bộ của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) cũng nhận xét, nếu VN sớm vào WTO thì ngành tài chính sẽ thuận lợi hơn vì có cơ hội tiếp cận nhiều kỹ thuật hiện đại. Tuy nhiên đối với SCB đây cũng là áp lực lớn, bởi hiện ngân hàng này mới có 4 chi nhánh và quy mô vốn điều lệ mới chỉ dừng lại 400 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực bảo hiểm, theo Tổng giám đốc Công ty bảo hiểm Viễn Đông Nguyễn Tiến, tỷ trọng tổng doanh thu phí bảo hiểm/GDP ngày càng gia tăng, vấn đề là nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài hưởng lợi nhiều hơn từ việc mở cửa thị trường thì vẫn là dấu hỏi lớn.
Trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, thị trường trong nước chủ yếu thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, các doanh nghiệp VN lại chiếm ưu thế trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Hiện các quy định trong nước vẫn dành một số bảo hộ cho ngành này, chẳng hạn như bảo hiểm cho xe cơ giới. Tuy nhiên đây chỉ là lĩnh vực có giá trị nhỏ, những hoạt động có giá trị lớn như bảo hiểm tàu, nhà... VN cũng phải tham gia cạnh tranh quốc tế từ lâu.
"Chúng tôi chỉ nắm rõ những cam kết mở cửa ngành bảo hiểm trong Hiệp định thương mại Việt - Mỹ còn những cam kết khi VN gia nhập WTO với các nước thì chưa rõ. Tuy vậy, không chờ đến khi biết được những cam kết đó ngay từ giờ nâng cao khả năng cạnh tranh với chất lượng quốc tế cũng là yêu cầu sống còn với các doanh nghiệp bảo hiểm VN", ông Tiến nói thêm.
Công nghiệp ôtô lo lắng
Ông Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện chiến lược công nghiệp cho rằng, VN chưa có ngành công nghiệp ôtô, các doanh nghiệp mới chỉ đơn thuần là lắp ráp. Vì vậy, có vào WTO, ngành ôtô thực tế không bị ảnh hưởng gì. Hơn nữa lộ trình giảm thuế đến 2009 mới thực hiện nên trước mắt thị trường trong nước chưa có biến động nhiều. Hiện mỗi năm thị trường VN tiêu thụ hơn 30.000 xe, trong khi Thái Lan hơn 1,1 triệu chiếc.
Tuy nhiên, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) Trần Quốc Toản lại băn khoăn, các ngành khác thì có nhiều cơ hội kinh doanh, riêng ôtô thì khó vì còn quá non trẻ, doanh nghiệp phải chuẩn bị nhiều nội lực để cạnh tranh trong lộ trình hội nhập.
Samco cũng đã chuẩn bị kỹ để đón chờ ngày này, song với nhiều nỗi lo. Ông Toản chia sẻ: "Chúng tôi đã phải tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, trang bị các tiêu chuẩn về chất lượng quốc tế như ISO, tăng cường hợp tác đầu tư với các đối tác trong cũng như ngoài nước... Còn hiệu quả công tác chuẩn bị đến đâu thì phải chờ đến khi ở trong lòng WTO mới có thể đo lường hết được".
Thử thách với doanh nghiệp phân phối
Trong những ngày qua, Trưởng phòng đối ngoại Công ty cổ phần G7 Đặng Thanh Hùng kể cùng với các đồng nghiệp của mình rất hồi hộp theo dõi tiến trình phiên đàm phán với Mỹ. Thông tin mà G7 đặc biệt quan tâm là Mỹ yêu cầu VN mở rộng thị trường phân phối, cho nhà bán lẻ Wal-Mart gia nhập với nhiều chính sách ưu đãi.
Theo ông Hùng, mở cửa thị trường phân phối thì người tiêu dùng được lợi là hẳn nhiên, nhưng với G7, đây thực sự là một thử thách rất lớn mặc dù đã chuẩn bị rất kỹ để cạnh tranh. Nhà phân phối nội địa nói chung còn thiếu lực và vốn để cạnh tranh với các đại gia nước ngoài. Cứ nhìn doanh số bán hàng 280 tỷ USD/năm của Walmart, sẽ thấy lo vì nhà phân phối này sẽ là người quyết định tỷ trọng giá, nguồn hàng cung cấp... cho thị trường. Rủi ro cho nhà sản xuất cũng rất lớn.
Viễn thông đã sẵn sàng hội nhập
Một trong những vấn đề mà Mỹ và VN đã phải đàm phán gay gắt là mở cửa thị trường viễn thông. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Viễn thông quân đội Viettel cho rằng, thị trường viễn thông VN đang phát triển nóng và là điểm chú ý của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, do đây là lĩnh vực khá nhạy cảm nên chắc chắn Chính phủ sẽ phải có lộ trình rõ ràng khi VN gia nhập WTO.
"Nếu VN gia nhập WTO theo đúng mục tiêu đề ra thì sẽ không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong nước và bản thân các doanh nghiệp cũng đã sẵn sàng cho quá trình hội nhập. Các doanh nghiệp trong nước đã có hạ tầng tương đối tốt nên việc các đối tác nước ngoài tham gia vào chỉ góp phần bổ sung thêm kinh nghiệm. Hơn nữa, thời gian qua cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đã khiến chất lượng được nâng cao và giá cước cũng đã giảm đi đáng kể", ông Hùng nhấn mạnh.
Một điều mà ông Hùng khá lạc quan và yên tâm là thị trường viễn thông đang phát triển rất nóng, dự kiến trong năm nay sẽ có khoảng 20 triệu thuê bao di động trong cả nước, với tốc độ như vậy thì chỉ trong vòng 3-5 năm nữa sẽ bão hoà. Khi ấy các đối tác nước ngoài muốn vào VN chỉ còn cách hợp tác liên doanh hoặc mua cổ phần...
Nhóm phóng viên