Ngày 1/4, các đại học khối Ivy League - nhóm cuối cùng trong số hàng nghìn đại học Mỹ - công bố kết quả tuyển sinh mùa 2021-2022. Nguyễn Hữu Minh Tùng, 18 tuổi, học sinh THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, trúng tuyển Pennsylvania (UPenn) và Cornell - hai trong tám trường Ivy League danh giá.
Theo US News and World report, UPenn đứng thứ tám, còn Cornell ở hạng 17 trong số các đại học quốc gia hàng đầu Mỹ. Dù hai trường này không công khai số lượng hồ sơ năm nay, tỷ lệ chấp nhận các năm trước chỉ dao động 10% và thuộc nhóm khó vào nhất nước Mỹ.
"Quá trình apply khốc liệt không dành cho tất cả mọi người, bởi không phải ai cũng đủ tâm lý, sức khỏe và quyết tâm để theo đuổi hết mình", Tùng nói.

Nguyễn Hữu Minh Tùng, học sinh THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Từng có cơ hội đến Mỹ gần một năm khi học tiểu học, tham quan các đại học danh tiếng, Tùng bị hấp dẫn bởi cảnh vật, môi trường học tập ở đây nên đặt mục tiêu du học từ sớm. Dù vậy, nam sinh nhận định "đây là hành trình dài và không phải lúc nào cũng suôn sẻ".
Vì muốn trúng tuyển THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, ngay từ giữa cấp hai, Tùng chủ động giảm tần suất tham gia các hoạt động ngoại khóa, tập trung học. Sau khi vào lớp tiếng Anh trường Ams, Tùng bị áp lực bởi "các bạn quá giỏi". Đỉnh điểm, cuối năm 2021, khi biết kết quả đợt tuyển sinh sớm của các đại học Mỹ, Tùng gần như trầm cảm.
Trong lớp Tùng, "các bạn đỗ gần hết", chỉ còn lại cậu và một vài bạn khác. Dù thực lòng chia vui với thành tích của bạn bè, Tùng không tránh khỏi cảm giác suy sụp. Suốt một tuần, Tùng nhốt mình trong phòng, tìm cách bình tĩnh và vượt qua cảm giác thất bại. Khi đã nghĩ tích cực hơn, chàng trai sinh năm 2004 hiểu rằng mình vẫn có cơ hội ở đợt tuyển sinh thường, diễn ra sau đó hai tháng. "Đây là cơ hội thứ hai, cũng là cơ hội cuối", Tùng tự nhủ và đưa ra quyết định táo bạo: sửa hồ sơ, viết lại luận.
Việc đầu tiên Tùng làm là tìm lý do mình không thể giành một suất trong đợt tuyển sinh sớm. Xin tư vấn của những bạn đã trúng tuyển, Tùng thấy hồ sơ của mình không thiếu tiêu chí hay yêu cầu nào, các điểm chuẩn hóa đều tốt với GPA 9,4-9,7, SAT 1560, IELTS 8,5. Tuy nhiên, nam sinh nhận ra mình đã apply bằng một bộ hồ sơ thiếu liên kết. Xác định theo đuổi ngành học về bất bình đẳng kinh tế, xã hội nhưng các hoạt động ngoại khóa của Tùng chỉ liên quan đến xã hội nói chung.
"Đây là bài học lớn nhất của em trong quá trình apply. Trước giờ, em vẫn nghĩ làm nhiều hoạt động, giữ các vị trí chủ chốt càng nhiều càng tốt. Nhưng điều này không hoàn toàn đúng. Hồ sơ cần tập trung vào một lĩnh vực, giúp trường định hình ứng viên là người thế nào", Tùng nói.
Lúc đó, Tùng phải loại bỏ một số hoạt động không liên quan nhiều đến ngành muốn học đồng thời bổ sung hoạt động trong lĩnh vực bất bình đẳng kinh tế, xã hội.
Trong gần hai tháng, Tùng tổ chức thành công YouthVoice, cuộc thi tranh biện dành cho học sinh cấp 1 và 2 trên toàn quốc. Với chủ đề bất bình đẳng kinh tế, Tùng và cộng sự mời các chuyên gia về tranh biện hướng dẫn thí sinh cách đưa ra ý tưởng và trình bày quan điểm. Nam sinh nhận định, ngoài việc cung cấp kiến thức, YouthVoice giúp học sinh rèn kỹ năng tư duy và nói trước đám đông.
Tùng cũng dành thêm thời gian cho một nghiên cứu đã được cậu khảo sát từ đợt tuyển sinh sớm, thực hiện tại Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng chưa đủ thời gian đào sâu. Nghiên cứu của Tùng đề cập tới sự chênh lệch trình độ, điều kiện học tập của những học sinh ở khu vực miền núi phía Bắc với bạn bè tại Hà Nội. "Thông qua khảo sát số liệu, chỉ ra vấn đề và đưa ra giải pháp về mặt chính sách, nghiên cứu cho thấy nhận thức của em về lĩnh vực bất bình đẳng kinh tế, xã hội", Tùng nói.
Với bài luận, Tùng phải chỉnh sửa gần như toàn bộ. Bài luận du học vốn là yếu tố được ứng viên chú trọng hàng đầu, dành nhiều tháng để lên ý tưởng và thực hiện. Do đó, Tùng gặp áp lực lớn khi thay đổi đề tài của luận chính trong khi hạn nộp chỉ còn hơn một tháng.
Ban đầu, bài luận của Tùng kể về trải nghiệm học tại Mỹ hồi tiểu học. Là học sinh châu Á, cậu gặp khó khăn trong việc tương tác với thầy cô, bạn bè, nhiều lúc bị phân biệt chủng tộc. Khi đọc lại, Tùng nhận định bài luận đơn giản, dễ đoán, câu chuyện cũng không đặc sắc, khác biệt vì "rất nhiều người châu Á học ở Mỹ" có câu chuyện tương tự.
Tương tự hoạt động ngoại khóa, chủ đề bài luận mới được Tùng lựa chọn sao cho liên kết với định hướng ngành nghề. Từng sống ở ngoại ô, sau đó chuyển vào nội thành Hà Nội, Tùng nhận ra tương quan về điều kiện kinh tế với năng lực xã hội, cụ thể là những bạn có điều kiện tốt hơn thường học tốt hơn. Khi đó, câu chuyện của Tùng trên đất Mỹ được chuyển thành một dẫn chứng trong bài luận mới, nhấn mạnh sự khác nhau giữa các tầng lớp xã hội có liên quan đến kinh tế.
Sau nhiều lần chỉnh sửa, Tùng ưng ý với bài luận mới. Nam sinh đánh giá, bài luận chính là điểm sáng trong hồ sơ du học, thể hiện được cả ba yếu tố: ứng viên là người thế nào, đã học được gì và sẽ làm gì trong tương lai với bài học đó.
Cô Trịnh Lệ Hoa, giáo viên chủ nhiệm của Tùng, đánh giá, ngoài sự sáng tạo trong học tập, Tùng còn là lớp phó có sức ảnh hưởng tích cực. Em thường giữ vai trò chủ chốt trong các sự kiện của lớp, cũng là người có khả năng gắn kết các thành viên. "Tôi tin rằng khả năng lãnh đạo của Tùng cùng tính cách độc đáo sẽ giúp em dễ dàng hòa nhập và tỏa sáng ở môi trường đại học", cô Hoa nhận xét.
Từ cuối tháng 3, Tùng bắt đầu được các đại học Mỹ phản hồi hồ sơ apply. Đại học Fordham (top 68 Mỹ) là trường đầu tiên báo kết quả trúng tuyển với Tùng. "Em đã thức đến 4h sáng để đợi thông báo. Lúc nhận thư đỗ, em hét lên sung sướng, cảm giác trút được gánh nặng và áp lực bấy lâu nay", Tùng nhớ lại. Sau đó, Tùng liên tiếp trúng tuyển hai đại học Ivy League là Pennsylvania và Cornell, khép lại hành trình apply du học Mỹ với nhiều bài học kinh nghiệm.
Tùng nhận ra mình bình tĩnh, bản lĩnh hơn khi đối diện khó khăn, và khi càng tỉnh táo, Tùng thấy mình giải quyết vấn đề càng tốt. Điều này đã giúp cậu chỉnh sửa và hoàn thiện hồ sơ trong vòng hơn một tháng ngắn ngủi. Tùng cho rằng học sinh nên giải tỏa tinh thần bằng cách không dồn cho mình áp lực và kỳ vọng quá cao.
"Em và các bạn mới 18 tuổi, còn nhiều thứ để khám phá và trải nghiệm. Do đó, không phải lúc nào đỗ trường tốt cũng là đích đến cuối cùng, chỉ cần không ngừng nỗ lực và cố gắng, cơ hội sẽ luôn tới", Tùng nói.
Thanh Hằng