Ngày 16/2, các địa phương bắt đầu tổ chức giao nhận tân binh năm 2022. VnExpress trao đổi với Trung tướng Vũ Văn Sỹ, Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Quốc phòng về nội dung này.
- Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, điểm mới trong tuyển quân năm nay là gì, thưa Cục trưởng?
- Các địa phương trên toàn quốc sẽ tổ chức giao quân từ 16 đến 20/2. Công dân từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi có đủ điều kiện sẽ được gọi nhập ngũ; riêng nam thanh niên trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì tuyển chọn và gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
Cơ quan quân sự địa phương tuyển chọn và gọi nhập ngũ những công dân có trình độ văn hóa lớp 8 trở lên, lấy từ cao xuống thấp với chủ trương là ưu tiên tuyển chọn công dân tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp nhập ngũ vào Quân đội. Những nơi có khó khăn không đảm bảo đủ chỉ tiêu giao quân thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định được tuyển chọn số công dân có trình độ văn hóa lớp 7.
Để không có "xã trắng" trong tuyển quân và tạo nguồn nhân lực cơ sở sau khi hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ về địa phương, Quân đội cho phép các xã thuộc vùng sâu, vùng điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số dưới 10.000 người được tuyển không quá 25% công dân có trình độ văn hóa cấp tiểu học, còn lại là trung học cơ sở trở lên.
Năm nay khi khám, phân loại sức khỏe nghĩa vụ quân sự đối với người đã mắc và mắc Covid-19, Hội đồng tuyển chọn phải xem xét, đánh giá cụ thể về thời gian khỏi bệnh, mức độ ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, khả năng phục hồi để đánh giá, phân loại bảo đảm chính xác, công bằng.
Khi xét duyệt tiêu chuẩn tạm hoãn gọi nhập ngũ, Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp xã, cấp huyện chú ý đến những công dân có gia đình bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, dịch Covid-19, nhất là tại TP HCM và các tỉnh miền Trung, miền Nam...
- Vì sao Quân đội chủ trương tuyển quân từ cao xuống thấp với ưu tiên tuyển chọn công dân tốt nghiệp đại học, cao đẳng?
- Những năm qua, việc tuyển chọn, gọi nhập ngũ được các địa phương thực hiện đủ chỉ tiêu, bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu tổ chức biên chế của các đơn vị và quân số thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở chưa sâu sát; chất lượng công dân nhập ngũ của một số địa phương hạn chế, tỷ lệ bù đổi nhiều... Vì vậy, để nâng cao chất lượng tân binh, Bộ trưởng Quốc phòng đã chỉ thị tăng cường biện pháp nâng cao chất lượng tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ trong tình hình mới.
Theo đó, các địa phương được yêu cầu chú trọng chọn những công dân tốt nghiệp cao đẳng, đại học, có ngành nghề chuyên môn. Điều này nhằm nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng thường trực, gắn với nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên và tạo nguồn cơ sở cho các địa phương, đặc biệt là vùng xa.
Khi vào quân đội, công dân sẽ được huấn luyện chương trình, giáo dục chính trị; trang bị kiến thức quốc phòng, kỹ thuật, chiến thuật, tác chiến và hiệp đồng tác chiến; cũng như kỹ năng sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị. Vì vậy, tân binh có trình độ đại học, cao đẳng có thể nhanh chóng tiếp cận, sử dụng tốt vũ khí, công nghệ tiên tiến, góp phần hiện đại hóa quân đội.
Bên cạnh đó, nguồn thanh niên đã được đào tạo qua các trường đại học, cao đẳng khi thực hiện nghĩa vụ tại ngũ có thể được sử dụng ngay vào các vị trí đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật phù hợp.
- Quân đội có chính sách gì để khuyến khích công dân tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhập ngũ khi đa phần mong muốn đi làm sau tốt nghiệp?
- Nhập ngũ trong độ tuổi quy định không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà còn là vinh dự của mỗi công dân. So với môi trường làm việc bên ngoài, thì khi tốt nghiệp đại học, thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự có rất nhiều lợi ích. Theo quy trình, thời gian đầu, tân binh sẽ được đưa về các đơn vị để huấn luyện, đảm bảo đồng nhất về quan điểm, tư tưởng, lập trường, bản lĩnh chính trị nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ.
Sau khi kết thúc huấn luyện chiến sĩ mới, các đơn vị tuyển chọn chiến sĩ có trình độ học vấn cao hơn đi đào tạo hạ sĩ quan chỉ huy, nhân viên chuyên môn kỹ thuật. Những chiến sĩ đã qua đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp có ngành nghề phù hợp với yêu cầu của quân đội sau khi hết thời hạn phục vụ tại ngũ sẽ được tuyển chọn, chuyển sang chế độ quân nhân chuyên nghiệp để phục vụ lâu dài trong quân đội. Một số quân nhân chuyên nghiệp nếu có phẩm chất, năng lực có thể được tuyển chọn chuyển sang diện cán bộ quản lý, tạo nguồn, đào tạo thành sĩ quan.
Báo cáo sơ kết 6 năm thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 (2016-2021) cho thấy, tỷ lệ công dân tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp nhập ngũ vào Quân đội đạt từ 3% đến 11,5%.
Căn cứ nhu cầu của từng đơn vị và nguyện vọng mỗi người, Bộ Quốc phòng ưu tiên tuyển chọn những công dân có trình độ đào tạo cao đẳng, đại học, nhất là các ngành nghề chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ cần cho Quân đội. Tỷ lệ này chiếm khoảng 3,5 đến 4,3% so với chỉ tiêu công dân nhập ngũ hằng năm.
Mặt khác, theo quy định, trước khi nhập ngũ, công dân đang làm việc tại cơ quan nào thì khi xuất ngũ cơ quan đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm thu nhập không thấp hơn trước khi nhập ngũ. Trường hợp cơ quan đó đã giải thể thì tổ chức cấp trên trực tiếp có trách nhiệm bố trí việc làm phù hợp.
Hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ khi về địa phương được chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức ưu tiên sắp xếp việc làm và cộng điểm trong tuyển sinh, tuyển dụng công chức, viên chức; trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo.
- Một số địa phương cho biết nguồn tuyển quân đang bị hạn chế. Cục Quân lực đưa ra giải pháp nào để giải quyết thực trạng này?
- Hiện nay, đa số thanh niên trong độ tuổi gọi nhập ngũ đi làm xa nhà dài ngày, gây khó khăn trong đăng ký, quản lý nguồn công dân nhập ngũ. Phần lớn mỗi gia đình chỉ có 1-2 con; nhiều công dân diện nhập ngũ là lao động chính trong gia đình nên có nguyện vọng được học tập, có việc làm ổn định, sống gần nhà, không muốn nhập ngũ. Việc tìm cách né tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng có dấu hiệu gia tăng như cố ý xăm hình, xăm chữ lên cơ thể. Mặt khác, nhiều thanh niên bị tật khúc xạ về mắt, nhất là khu vực thành thị.
Đặc biệt, hai năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một số công dân trong độ tuổi nhập ngũ bị nhiễm Covid-19 và khó khăn trong việc đi lại, việc tuyển quân càng khó khăn hơn. Trước thực trạng đó, Cục Quân lực đã tham mưu, đề xuất với thủ trưởng Bộ Quốc phòng, thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu giao mỗi địa phương thực hiện "tròn khâu" với phương châm "tuyển người nào chắc người đó".
Bên cạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về nghĩa vụ quân sự, khích lệ thanh niên tự giác chấp hành nghĩa vụ công dân với Tổ quốc, chúng tôi cũng kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.
Chúng tôi đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung những vướng mắc, bất cập đối với Luật nghĩa vụ quân sự và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Trong đó, Bộ Quốc phòng đề xuất bổ sung chế tài xử lý đối với công dân có hành vi trốn nghĩa vụ quân sự, áp dụng xử lý hình sự đối với công dân 3 lần không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe...