Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được sửa chữa từ năm 2017 với kế hoạch hoàn tất sau 2-3 năm, song phải kéo dài một thập kỷ. VnExpress phỏng vấn Linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân, Trưởng ban trùng tu nhà thờ, về những khó khăn và thách thức để phục hồi công trình 143 năm tuổi.
- Sau 6 năm, việc sửa chữa nhà thờ đạt bao nhiêu % so với kế hoạch?
- Hiện, công đoạn trùng tu hoàn thành 50% tiến độ. Việc phục chế theo nguyên tắc cái gì tốt sẽ giữ lại, còn những phần hư hỏng quá nặng sẽ thay mới. Đến giờ này chưa có hạng mục nào hoàn thiện. Ví dụ phần mái ở trên đã được lợp rất đẹp, nhưng hệ thống máng xối chưa làm xong vì phải chờ phục chế hai tháp chuông và tháp kẽm, rồi mới làm toàn bộ hệ thống máng xối được và cột thu lôi. Các hạng mục đều có liên kết với nhau nên cần phải hoàn thành đồng bộ.
Mới đây nhà thờ đã tháo hai thánh giá trên tháp kẽm và 8 thánh giá nhỏ để đưa sang Bỉ phục chế nguyên trạng. Tới giờ này tập đoàn Monument - đơn vị chịu trách nhiệm sửa chữa nhà thờ, dự kiến việc đại trùng tu hoàn thành cuối năm 2027.
- Lúc đầu Tổng giáo phận dự kiến thời gian trùng tu nhà thờ chỉ 2-3 năm, song sau đó kéo dài 10 năm. Tại sao việc sửa chữa tốn nhiều thời gian như vậy?
- Vấn đề bảo tồn Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được đặt ra từ năm 2015. Sau hai năm chuẩn bị, công trình khởi công sửa chữa vào ngày 1/7/2017 khi đã xuống cấp nghiêm trọng. Lúc lắp giàn giáo để tiếp cận hai tháp chuông, tháp kẽm và thánh giá ở độ cao hơn 60 m, chúng tôi thấy những hạng mục này đã hư hỏng nặng vì trải qua hơn trăm năm ảnh hưởng nắng nóng, mưa bão. Các chuyên gia nước ngoài khẳng định nhà thờ được bảo tồn sau 137 năm hình thành dù muộn nhưng còn kịp. Bởi theo quy định của châu Âu, một nhà thờ cổ cứ 50 năm phải trùng tu, 100 năm phải thực hiện đại trùng tu.
Lúc đầu, khi sang Bỉ để ký kết với tập đoàn Monument, tôi gặp vị giám mục giáo phận Tournai, đang tiến hành sửa chữa Nhà thờ Đức Bà Tournai hơn 800 tuổi. Khi tôi bày tỏ mong muốn trùng tu hoàn thành trong khoảng hai năm, giám mục nói việc nhà thờ hơn 100 tuổi với thời gian sửa chữa như vậy là bất khả thi. Ngài dẫn chứng chính nhà thờ Tournai đã trùng tu kéo dài hơn 20 năm mà chưa xong.
Vì vậy khi ngồi lại với chuyên gia tập đoàn Monument, chúng tôi thống nhất việc này không thể vội vàng mà cần làm thật cẩn thận để đảm bảo kéo dài tuổi thọ nhà thờ. Đây cũng là mong muốn của Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc lúc sinh thời, muốn việc bảo tồn giúp Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn giữ được kiến trúc cũ và kéo dài tuổi thọ thêm hàng trăm năm nữa cho thế hệ sau.
Ngoài ra còn một số lý do không ngờ tới khiến việc bảo tồn kéo dài như: Covid-19 trong hai năm làm đứt gãy nguồn cung cấp vật tư do vận chuyển từ châu Âu về rất khó, công nhân phải nghỉ làm. Chiến tranh ở Ukraine ảnh hưởng toàn cầu, khiến vật tư, nguyên vật liệu khan hiếm, đẩy giá tăng 30-40%.
- Hạng mục nào của nhà thờ khó trùng tu nhất?
- Thách thức nhất vẫn là hai tháp chuông và hai tháp kẽm. Sau 15 năm hoàn thành (1895), nhà thờ mới được lắp thêm hai tháp kẽm, nằm trên hai tháp chuông, tạo điểm nhấn rất riêng. Trên 4 đỉnh góc của hai tháp chuông có hàng trăm khối đá vôi Pierre de Paris được điêu khắc rất đẹp, nhưng bị nước mưa xói mòn, hư hỏng. Mỗi một khối đá nặng khoảng 4 tấn nên việc đem xuống không hề dễ dàng. Chúng tôi phải chẻ nhỏ các phiến đá còn 500 kg, đưa xuống bằng hệ thống thang máy.
Sau khi tham khảo chuyên gia, chúng tôi quyết định dùng loại đá thay thế là Pierre de Massengis. Loại đá này cứng hơn, đẹp hơn, phải đặt mua ở Pháp sau đó chuyển sang nhà máy ở Bỉ chế tác theo thiết kế của tập đoàn Monument. Tổng trọng lượng các khối đá được nhập về nhà thờ để lắp trên các tháp nặng gần 90 tấn. Việc chế tác các khối đá này tốn khoảng 170.000 Euro (hơn 4,25 tỷ đồng), nhưng tập đoàn đã tặng cho nhà thờ. Hiện, một số khối đá được đưa lên tháp.
Khó khăn nữa là các tấm lợp kim loại trên tháp kẽm sau khoảng 140 năm đã bị oxy hóa, ăn mòn, thậm chí có tấm còn bay xuống đường trước nhà thờ nhưng may mắn không gây sự cố. Để thay các tấm này, năm 2016 tôi phải sang nhà máy tại Pháp đặt các tấm kẽm mỹ thuật Azengar plus để lợp lại hai tháp kẽm.
- Tại sao các vật liệu trùng tu đều phải nhập từ nước ngoài, thay vì trong nước có thể tiết kiệm chi phí?
- Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được thiết kế pha trộn giữa phong cách kiến trúc Roman và Gothic. Đây là nét đặc sắc so với nhà thờ có lối thiết kế tương tự là Nhà thờ Đức Bà Paris (chỉ mang phong cách kiến trúc Gothic). Toàn bộ vật liệu của nhà thờ khi xây dựng đều mang từ Pháp sang. Do đó các vật tư dùng cho trùng tu yêu cầu phải có nét tương đồng với chất liệu cũ để không làm thay đổi diện mạo.
Thời điểm chuẩn bị, tôi khảo sát chưa thấy công ty nào tại Việt Nam trùng tu nhà thờ do châu Âu xây dựng. Vì vậy, nhiều nguyên liệu phải tìm đến những công ty hơn 100 năm kinh nghiệm ở châu Âu mới có được. Ví dụ như xi măng nhập từ Bỉ; cát, ngói, vữa từ Pháp và Đức; gỗ sao xanh mua tại cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước) để đóng kèo, xà gồ.
Những vật liệu cồng kềnh, to lớn từ thép, cát, vữa được vận chuyển bằng đường biển đi từ các cảng Hamburg (Đức), Rotterdam (Hà Lan), Antwerp (Bỉ). Một hải trình như thế phải mất 6 tuần. Còn những vật liệu, thiết bị cần dùng gấp cho kịp tiến độ được chở bằng máy bay chi phí rất cao.
Đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp thi công từng trùng tu cho Nhà thờ Chính tòa Rouen (Pháp), Nhà thờ Tournai, Saint Jacques (Bỉ) hay Nhà thờ Đức Bà Paris... Mỗi ngày chúng tôi phải chụp ảnh báo cáo để chuyên gia ở Bỉ đánh giá tình hình. Từng công nhân làm việc tại đây phải qua đào tạo, thi tuyển.
Có nhiều người thắc mắc rằng nhìn bên ngoài nhà thờ chỉ thấy giàn giáo chứ không có ai làm việc. Tuy nhiên thường khi thi công, phần lớn thợ làm ở phía trong, tại khu vực tháp chuông. Nhiều ngày các kỹ sư và công nhân phải làm hơn 8 tiếng. Khi chuyên gia nước ngoài đến, chúng tôi làm thêm giờ để kịp tiến độ.
- Chi phí trùng tu nhà thờ ban đầu được Tổng giáo phận dự kiến khoảng 140 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này được vận động từ đâu?
- Khi được giao trách nhiệm trùng tu nhà thờ, tôi rất lo lắng bởi không biết lấy tiền ở đâu để thực hiện trong khi công trình rất tốn kém. Đến nay, kinh phí đều do giáo dân tại thành phố và từ nước ngoài đóng góp. Mỗi năm chúng tôi có chiến dịch Bác ái mùa Chay, trong đó Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Năng kêu gọi giáo dân tại các giáo xứ đóng góp cho việc trùng tu nhà thờ. Tôi thấy nhiều người còn khó khăn nhưng cũng rộng rãi, quảng đại sẵn sàng giúp nhà thờ.
Lúc đầu kinh phí trùng tu được dự trù khoảng 140 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa thể tính toán được hết bởi quá trình làm nhiều khoản phát sinh, giá cả, chi phí vận chuyển thay đổi theo thời gian.
Nhà thờ Đức Bà không chỉ biểu tượng của giáo hội mà còn là di tích tôn giáo, nghệ thuật và kiến trúc của thành phố nên cần được bảo tồn. Người dân và du khách nhiều tỉnh thành, nước ngoài khi đến TP HCM đều muốn tham quan, chiêm ngưỡng nhà thờ.
- Nhà thờ vẫn hoạt động trong thời gian sửa chữa. Ban trùng tu đưa ra biện pháp gì để đảm bảo an toàn cho giáo dân đi lễ nhưng không làm gián đoạn quá trình bảo tồn?
- Lúc đầu, nhiều ý kiến đề nghị nên đóng cửa nhà thờ đến khi nào trùng tu xong mới mở lại. Khi tôi trình bày với Bề trên thì bị từ chối vì cho rằng một số giáo dân tại thành phố có thói quen tham dự thánh lễ tại Nhà thờ Đức Bà. Dịp thánh lễ hai ngày cuối tuần, nhà thờ vẫn đón 6.000-7.000 người đến dự, nếu đóng cửa họ sẽ đi đâu. Việc này giống như giải tán cộng đoàn ở đó, đến khi quy tụ lại không hề đơn giản. Ngoài ra, khi kiểm tra tổng thể, đơn vị thi công đánh giá móng và kết cấu nhà thờ còn rất tốt nên cho nhà thờ cử hành thánh lễ bình thường.
Nhân đây tôi kể câu chuyện để thấy rằng vấn đề bảo đảm an toàn luôn được đặt lên hàng đầu khi sửa chữa nhà thờ. Hồi tháng 10/2019, khi Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Năng về nhận Tổng giáo phận Sài Gòn - TP HCM, tôi đã cho giật 6 chuông kéo dài 15 phút thể hiện sự vui mừng. Tập đoàn chịu trách nhiệm trùng tu khi biết được việc này đã yêu cầu ngừng giật chuông. Bởi lúc soi chiếu, họ phát hiện giá đỡ chuông bằng gỗ bị mối ăn rỗng ruột, việc giật bộ chuông cổ gần 30 tấn có thể kéo sập tháp và cả nhà thờ.
Hơn ba năm qua, nhà thờ không giật chuông. Bà con giáo dân cũng than phiền vì nhà thờ mà không có tiếng chuông thì buồn quá. Để thay thế, nhà thờ đã đặt làm giàn chuông 25 chiếc gồm 16 chuông nhỏ và 9 chuông lớn ở Đức, lắp đặt vào dịp Giáng sinh năm 2022. Dàn chuông sẽ thay thế tạm bộ chuông cổ trong thời gian trùng tu.
- Sau trùng tu, diện mạo của nhà thờ và công tác bảo quản kiến trúc công trình cổ này sẽ như thế nào?
- Kiến trúc nhà thờ vẫn như cũ nhưng diện mạo sẽ đẹp hơn. Các bức tường, vách gạch bên ngoài nhà thờ đã hư hỏng, bị vẽ bậy sẽ được thay thế hoặc làm sạch. Tôi đánh giá việc này sẽ mất rất nhiều thời gian và tốn kém do có đến hàng trăm nghìn viên gạch cần phải thay thế. Cách đây 5 năm, tôi đã sang Đức để đặt loại gạch tương tự của hãng Girnghuber.
Để tránh tình trạng vẽ bậy, tác động công trình, chúng tôi sẽ đề nghị thành phố cho làm hàng rào mở, mỹ thuật dọc bên lề nhà thờ. Khu vực phía trước nối nhà thờ với vườn hoa sẽ được đề xuất làm phố đi bộ, không cho xe vào tránh hư hại và đảm bảo an toàn cho người đi lễ, du khách.
Bên trong nhà thờ, chúng tôi làm lại hệ thống thông gió, để khi giáo dân dự thánh lễ vào mùa nóng sẽ thoải mái hơn. Trên Cung Thánh dự kiến đặt đàn đại phong cầm (đàn ống), giống như nhiều nhà thờ ở châu Âu. Ngoài ra, nhà thờ dự kiến lắp đặt hệ thống chiếu sáng bên ngoài để tạo điểm nhấn vào ban đêm. Hệ thống này sẽ không giống như ở các khách sạn dùng đèn đặt phía dưới hắt lên tường mà được thiết kế riêng biệt.
Sau trùng tu, dự kiến nhà thờ kéo dài tuổi thọ ít nhất là 100 năm nữa, còn việc tồn tại lâu hơn tùy thuộc nhiều yếu tố. Nhà thờ sẽ lập đội bảo trì giống như nhiều nhà thờ ở châu Âu để sửa chữa khi cần, chứ không phải chờ hư rồi mới làm.
Đình Văn