Chủ nhật, 12/1/2025
Thứ sáu, 23/12/2022, 13:25 (GMT+7)

Nhà thờ Đức Bà có dàn giao hưởng 25 chuông nhập từ Đức

TP HCMBộ chuông mới gồm 25 chiếc, nặng 326 kg, được nhà thờ Đức Bà sử dụng trong lúc dàn chuông cũ nặng 30 tấn đang trùng tu.

8h ngày 23/12, trong khuôn viên nhà thờ Đức Bà, quận 1, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, Tổng giám mục Tổng giáo phận TP HCM, thực hiện nghi thức làm phép và khánh thành dàn giao hưởng chuông. Hơn 50 giáo dân, ma soeur, linh mục... có mặt cùng cầu nguyện.

Dàn giao hưởng chuông mới cao khoảng 15 m với 25 chiếc chuông nhập khẩu từ Đức, được bao quanh bởi các giàn giáo. Trong quan niệm của người Công giáo, đây là một loại nhạc cụ có tên gọi "carillon" với nhiều quả khác nhau để tạo nên các giai điệu tôn vinh Thiên chúa.

Giai điệu của giàn giao hưởng 25 chuông ở nhà thờ Đức Bà
 
 

Tiếng chuông mới từ dàn giao hưởng. Video: Tuấn Việt

Bộ chuông làm bằng đồng pha kẽm cùng một số kim loại khác có tổng khối lượng 326 kg. Hệ thống chịu lực là khung làm bằng loại gỗ linh sam do Đức chế tác. Loại gỗ này có độ bền, chịu được độ ẩm và không gây mùi khó chịu. Khung gỗ được hãng làm kỹ lưỡng, tinh xảo, đảm bảo không bị vặn, xoắn trong quá trình chuông rung lắc. Các mối liên kết của khung gỗ không dùng bu lông, ốc vít mà ghép mộng theo truyền thống để hạn chế tối đa việc dội âm thanh.

4 chuông lớn nặng từ 61 đến 145 kg và có khắc tên bốn Đức tổng của Tổng giáo phận: Đức Cố Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình (1910-1995), Đức Hồng Y Tổng Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Đức Cố Tổng Giám mục Phao lô Bùi Văn Đọc (1944-2018) và Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng. Trong đó, quả chuông nặng nhất khắc tên Đức Cố Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình.

Các chuông được vận hành bằng hệ thống motor chạy bằng điện. Khi chuông đổ tạo âm thanh tựa như giàn nhạc giao hưởng phục vụ cộng đoàn.

Trên cùng là các chuông nhỏ được lắp thành một hàng trên thanh gỗ. Số lượng chuông phù hợp với kinh phú trùng tu và không gian lắp đặt ở nhà thờ Đức Bà.

Dự án trùng tu Nhà thờ Đức Bà tổng vốn đầu tư hơn 140 tỷ đồng, khởi công năm 2017, do Tòa Tổng Giám mục TP HCM thực hiện, dự kiến hoàn thành năm 2023. Tuy nhiên, Covid-2019 kéo dài, một số nguyên vật liệu phải nhập từ nước ngoài (Bỉ, Pháp, Đức) ảnh hưởng tiến độ tu bổ công trình. Việc tháo dỡ hàng rào xung quanh sẽ được thực hiện sau khi dự án tu bổ hoàn thành năm 2027.

Sau khi dẫn lời vào nghi thức phụng vụ và đọc lời Chúa, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng thực hiện nghi thức xông hương phía trước dàn giao hưởng chuông.

Đức Tổng Giám mục cho biết, việc sử dụng chuông có truyền thống lâu đời trong lịch sử Hội thánh Công giáo. Tiếng chuông được vang lên vào những thời gian cố định trong ngày để tập hợp các tín hữu cho các buổi cử hành phụng vụ Thánh thể, loan báo một sự kiện trong giáo hội.

"Khi nhà thờ Đức Bà trùng tu, tiếng chuông đã ngưng đổ từ hơn hai năm nay. Những buổi sinh hoạt phụng vụ không có chuông sẽ rất buồn. Vậy nên Toà giám mục đặt mua dàn chuông từ Đức để sử dụng trong thời gian chờ xong việc trùng tu", Đức Tổng Giám mục nói.

8h30, nghi thức làm phép kết thúc, đồng loạt tiếng chuông ngân vang ở khuôn viên nhà thờ. Sau đó, mọi người cùng lên tham quan giàn chuông.

"Tôi sinh hoạt trong đội ca đoàn ở nhà thờ Đức Bà, suốt hai năm nay những buổi phụng vụ Thánh thể thiếu tiếng chuông nên khá buồn. Dàn chuông mới sẽ giúp mùa Giáng sinh sắp tới thêm long trọng", chị Hạ nói.

Bộ chuông cổ của nhà thờ Đức Bà gồm 6 chiếc, hơn 30 tấn, cao trung bình 3 m, đúc tại Pháp năm 1879, được đặt ở hai tháp chuông nhà thờ. Hệ thống chuông còn nguyên vẹn, sử dụng tốt, song giá đỡ bằng gỗ bị hư hỏng, mục nát theo thời gian. Bộ chuông cũ ngưng đổ từ tháng 1/2020 để trùng tu, sửa chữa hệ thống giá đỡ.

Nhà thờ Đức Bà nằm ở quảng trường Công xã Paris, xây năm 1877, hoàn thành sau 3 năm và được Tòa thánh Vatican phong hàng tiểu Vương cung Thánh đường từ năm 1959 (tên gọi chính thức là Vương cung thánh đường Chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội). Đây là công trình kiến trúc đặc sắc từ thời Pháp thuộc do kiến trúc sư J.Bourard thiết kế.

Quỳnh Trần