Theo kế hoạch của Chính phủ, trung tâm tài chính tại TP HCM và Đà Nẵng sẽ được thành lập, vận hành trong 2025. Việc xây dựng các trung tâm này nhằm phát triển Việt Nam thành điểm đến tài chính quan trọng trong khu vực, thế giới.
Tại hội thảo Phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, ngày 16/1, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nhận định thực tế trung tâm tài chính quốc tế và khu vực là các khái niệm tương đối. "Không có mô hình nào cao hay thấp hơn. Đây là hai trung tâm tài chính độc lập, mỗi địa phương có vai trò, chứng năng và tương tác lẫn nhau", ông Quảng nói.
Góp ý, ông Andy Khoo - Tổng giám đốc Tập đoàn Terne Holdings chia sẻ Hà Nội là trung tâm chính cho việc hoạch định chính sách và quản lý Nhà nước. TP HCM là đóng vai trò cửa ngõ toàn cầu cho thị trường vốn và tài chính doanh nghiệp. Giờ đây, Đà Nẵng xuất hiện như một cầu nối chiến lược giữa hai đầu tàu kinh tế này.
Ông cho rằng Đà Nẵng cần có thế mạnh chuyên biệt khi phát triển trung tâm tài chính. Khác với TP HCM tập trung vào thị trường vốn, Đà Nẵng có thể phát triển chuyên sâu vào tài chính xanh, tạo thuận lợi thương mại và đổi mới fintech, phù hợp với các xu hướng thị trường toàn cầu.
"Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng có thể đóng vai trò như một phòng thí nghiệm đổi mới, thử nghiệm các công nghệ tài chính mới và tích hợp chúng vào hệ sinh thái đã phát triển của TP HCM", ông Andy Khoo nói.
Theo Tổng giám đốc Terne Holding, một trong ba mũi nhọn Đà Nẵng cần tập trung vào là đổi mới fintech. Công nghệ tài chính đang cách mạng hóa tài chính toàn cầu và Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực về áp dụng tiền số.
Theo đó, Đà Nẵng có thể trở thành một sandbox (khung pháp lý thử nghiệm) cho các startup trong các lĩnh vực như blockchain, thanh toán kỹ thuật số, các giải pháp tài chính dựa trên trí tuệ nhân tạo thế hệ mới (Gen AI). Với các chính sách khuyến khích đổi mới, thành phố có thể thu hút các nhà đầu tư và các công ty công nghệ tài chính toàn cầu và trở thành trung tâm đổi mới fintech trong khu vực.
Đồng quan điểm về hướng phát triển fintech tại Đà Nẵng, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đánh giá thành phố cần khai thác rất nhanh mô hình tài chính fintech, cho phép tập hợp khách hàng xuyên biên giới.
Bên cạnh về việc xây dựng phòng thí nghiệm fintech, mũi nhọn thứ hai được chuyên gia quốc tế khuyến nghị là tài chính xanh. Ông Andy Khoo đề xuất trung tâm tài chính Đà Nẵng có thể dẫn đầu trong lĩnh vực này bằng cách phát hành trái phiếu xanh, tạo điều kiện cho giao dịch tín chỉ carbon và phát triển các sản phẩm tài chính dành riêng cho các nhà đầu tư quan tâm tính bền vững. Những bước đi này sẽ giúp Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính xanh của ASEAN.
Lãnh đạo Terne Holdings nhắc tới tài chính thương mại như là hướng tiếp theo Đà Nẵng có thể triển khai khi phát triển trung tâm tài chính. Trong đó, quản trị là nền tảng của bất kỳ trung tâm tài chính thành công nào. Với Đà Nẵng, điều này đồng nghĩa việc đảm bảo sự độc lập trong quy định, tính minh bạch và cách tiếp cận chính sách có tầm nhìn xa.
Bằng cách thiết lập một cơ quan quản lý tự chủ theo mô hình của Dubai, trung tâm tài chính Đà Nẵng có thể xây dựng niềm tin từ các nhà đầu tư toàn cầu. Đây là một yêu cầu bắt buộc với bất kỳ trung tâm tài chính nào muốn cạnh tranh trên trường quốc tế.
"Để đảm bảo về pháp lý, chúng tôi đề xuất thiết lập một khung trọng tài chuyên biệt với đội ngũ chuyên gia quốc tế", ông Andy Khoo nói. Điều này mang lại sự yên tâm cho các doanh nghiệp rằng các tranh chấp của họ có thể được giải quyết một cách hiệu quả và công bằng.
Tổng giám đốc Tập đoàn Terne Holding nói thêm, thuế là một trụ cột quan trọng khác. Việc áp dụng chiến lược thuế linh hoạt sẽ hỗ trợ thu hút đầu tư vào trung tâm tài chính, mà vẫn tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu và không gây bất lợi cho sự ổn định tài chính.
Thực tế, khi xây dựng khung chính sách cho trung tâm tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đề xuất thử nghiệm có kiểm soát hoạt động fintech, gồm sàn giao dịch tiền số, tài sản số tại các trung tâm tài chính như Đà Nẵng, TP HCM.
Với trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng chia sẻ về ba nhóm dịch vụ thành phố dự kiến đẩy mạnh. Trước tiên, thành phố sẽ cung cấp các dịch vụ tài chính quốc tế như thanh toán, thương mại quốc tế, quản lý rủi ro và giao dịch ngoại hối, tài chính xanh. Trong đó, các dịch vụ tài chính gắn liền với sự phát triển của khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, thành phố đưa ra các dịch vụ công nghệ tài chính (fintech) như cung cấp phần mềm, nền tảng ứng dụng thanh toán, giao dịch tài sản số, cơ sở dữ liệu lớn, điện toán đám mây. Thành phố cũng cung cấp không gian ươm tạo cho các startup, công ty fintech.
Nhóm dịch vụ thứ ba được Phó chủ tịch Hồ Kỳ Minh nhắc đến là hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp và các dịch vụ như kiểm toán, kế toán, tư vấn thuế, hải quan, casino, định giá bất động sản và các tài sản liên quan.
Dự kiến, tại cuộc họp Quốc hội vào giữa năm nay, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết về xây dựng trung tâm tài chính ở Việt Nam.
Quỳnh Trang