Sáng 13/4, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) họp hội đồng tư vấn về những nội dung trong Thông tư 01/2016 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành ngày 24/3, liên quan tới tác quyền âm nhạc.
Trước đó, Nghị định số 79 bổ sung ghi: Thủ tục xin cấp phép biểu diễn gồm "một văn bản cam kết thực thi đầy đủ quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả". Theo ông Phó Đức Phương - đại diện VCPMC, đây là bước tiến cực kỳ lớn từ góc độ pháp luật về quyền tác giả, khi người muốn sử dụng tác phẩm phải hỏi ý kiến tác giả trước khi xin cấp phép biểu diễn.
Tuy nhiên, Thông tư - do Cục Nghệ thuật Biểu diễn soạn thảo - hướng dẫn thực hiện Nghị định này lại không rõ ràng nội dung trên. Thông tư đưa ra các mẫu văn bản, trong đó mẫu thứ 14 có tên gọi: "Văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả".
Nhạc sĩ Phó Đức Phương nói: "Thông tư không nhắc gì tới Nghị định mà lập lờ và làm trái Nghị định bằng cách đưa ra phụ lục các mẫu văn bản kèm theo xin cấp phép. Mẫu thứ 14 hướng dẫn người đi xin phép đơn phương ký vào cam kết và gửi cho nơi họ xin phép tức Cục Biểu diễn hoặc Sở Văn hóa. Các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả bị gạt ra ngoài, hoàn toàn không có quyền. Thông tư này trái với Nghị định, chưa nói là trái pháp luật. Các tác giả vẫn đang bị những quy định của cơ quan quản lý nhà nước gạt ra ngoài quyền lợi hợp pháp của mình".
Nhạc sĩ Phó Đức Phương nhận định việc biểu diễn mà chưa có sự cho phép tác giả là sai pháp luật và sẽ tạo nên rối ren, trong đó có khả năng để bảo vệ tác phẩm, các tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả sẽ ra tận nơi để ngăn chặn việc biểu diễn.
Tại cuộc họp, ông Đỗ Khắc Chiến - chuyên gia sở hữu trí tuệ, Nguyên Cục phó Cục Sở hữu Trí tuệ - cho rằng Thông tư không coi trọng điều 20 luật sở hữu trí tuệ, trong đó có quy định về biểu diễn tác phẩm của các nhạc sĩ. Ông Chiến khẳng định Thông tư đáng lý hướng dẫn thực hiện Nghị định nhưng không hướng dẫn được mà còn làm sai lệch tinh thần bởi một bản cam kết giữa hai bên khác hẳn việc đơn phương tuyên bố hoặc hứa sẽ làm.
Ông Chiến cho rằng Thông tư này sẽ gây tác hại với vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, làm nhiều người lợi dụng để không thi hành quy định pháp luật.
"Nghị định ghi là cam kết. Cam kết với ai? Với tác giả hoặc chủ sở hữu tác giả. Cam kết phải diễn ra giữa hai bên, thậm chí cần người làm chứng. Trong khi mẫu văn bản số 14 của Thông tư, phần chữ ký chỉ ghi 'Đại diện theo pháp luật của tổ chức thông báo' ký còn không thấy chủ tài sản hay đại diện chủ tài sản đâu. Đây là lời hứa đơn phương, tuyên bố, không có gì ràng buộc để nay mai thực hiện", ông Chiến nói.
Nhiều nhạc sĩ có mặt tại cuộc họp như nhạc sĩ Vũ Mão, Lê Mây, Trương Ngọc Ninh, Đoàn Bổng, Doãn Nho... đều bày tỏ sự bức xúc với Thông tư mới của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ chia sẻ: "Việc biểu diễn tác phẩm của tôi từ xưa tới nay không ai xin phép". Ông cho biết trong 10 năm qua họ mới nhận được 15% tiền tác quyền đáng lý cần nhận. Số tiền ông nhận về mỗi quý khoảng từ 3 tới 4 triệu, trong khi có những nhạc sĩ ở xa chỉ được vài trăm. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ bày tỏ Cục Nghệ thuật Biểu diễn là người đứng ra cấp phép biểu diễn nhưng không quan tâm ý kiến của tác giả, chỉ cần đơn vị tổ chức biểu diễn xin là đóng dấu.
Đại diện Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam cho biết họ sẽ soạn công văn phản ánh vụ việc và gửi tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng như Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch mới - ông Nguyễn Ngọc Thiện. Cơ quan này cũng sẽ làm việc với Cục trưởng Cục kiểm tra Văn bản của Bộ Tư pháp để phản ánh về văn bản không đúng luật pháp.
Thông tư mới của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có hiệu lực thi hành từ 15/5. Đại diện Trung tâm cho biết họ sẽ làm đến cùng và khẩn trương để đòi quyền lợi cho các nhạc sĩ và yêu cầu làm đúng pháp luật.
Di Ca