Sáng 24/3, Trung Tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam tổ chức họp phổ biến về "Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79 của Chính phủ về biểu diễn nghệ thuật", ở góc độ tác quyền âm nhạc.
Điều 9 (Thẩm quyền và thủ tục cấp, thu hồi giấy phép biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang) và Điều 24 (Thẩm quyền và thủ tục cấp, thu hồi giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu) thuộc "Nghị định sửa đổi, bổ sung" ban hành ngày 15/3 quy định: Thủ tục xin cấp phép phải bao gồm "một văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả".
Trước đó, Nghị định 79 ban hành năm 2012 không bao gồm yêu cầu này trong hồ sơ xin cấp phép biểu diễn. Nghị định 79 chỉ quy định tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm cam kết "chịu trách nhiệm về mọi vi phạm pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan".
Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung Tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam - chia sẻ: "Trong góc độ luật pháp về quyền tác giả, Nghị định sửa đổi, bổ sung lần này đã có bước tiến cực kỳ lớn. Trước kia trong thủ tục cấp phép, người xin phép sử dụng tác phẩm của tác giả để biểu diễn hay in ấn băng đĩa để phát hành không cần trình các giấy tờ cho thấy họ đã được sự đồng ý của tác giả. Luật pháp từ trước tới nay quy định các cá nhân, tổ chức sử dụng phải xin phép và trả tiền. Xin phép tức là phải xin phép trước, không bao giờ xin phép sau và phải được người ta đồng ý mới biểu diễn chứ không phải biểu diễn xong rồi chúng tôi mới đuổi theo để đi đòi. Nhưng các tổ chức biểu diễn luôn lách vào kẽ hở và trốn tránh, không cần xin phép hoặc thỏa thuận một cách hình thức, tác giả không được tôn trọng. Bây giờ, thủ tục cấp phép đã yêu cầu phải có hợp đồng, thỏa thuận với tác giả hay cam kết thực hiện bản quyền. Nếu chưa có những văn bản đó thì coi như chưa đủ điều kiện cấp phép biểu diễn".
Theo ông Phó Đức Phương, Nghị định sửa đổi giúp các tác giả được bảo vệ chặt chẽ hơn, luật pháp, lợi ích của công chúng, xã hội cũng không bị vi phạm. Ông cho biết việc thực thi tác quyền âm nhạc hiện nay mới được khoảng 20%. "Tình hình tệ lắm. Có những đơn vị chúng tôi phải nhân nhượng đến tận cùng bởi họ đã diễn xong rồi. Có đơn vị biểu diễn xong cả tháng sau yêu cầu thì họ không thực hiện. Người ta dùng xong, không cần xin phép, muốn công bằng cho tác giả cũng không được nữa".
Nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ việc sửa đổi này khích lệ rất nhiều giới sáng tác, nâng cao vị trí của tác giả. "Nghị định sửa đổi của Chính phủ đem lại công bằng cho những người lao động nghệ thuật, trong đó có chúng tôi. Trong thời buổi cơ chế thị trường, cái gì cũng phải minh bạch. Một buổi biểu diễn cát-xê cho ca sĩ hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mà có khi tác giả không có một đồng nào. Có tác phẩm mới biểu diễn được mà người làm ra nó lại hoàn toàn mờ nhạt".
Nhạc sĩ Doãn Nho cho biết thế hệ ông đã sáng tác từ trong kháng chiến đến khi thống nhất đất nước. "Chúng tôi là những người lao động giản dị, mộc mạc. Bài hát của mình viết ra mong được vang lên, ca sĩ hát lên đến tai quần chúng là chúng tôi thấy vui rồi. Lần đầu tiên được nhận bản quyền phấn khởi vô cùng, coi đó như trên trời rơi xuống, thực ra không phải, nó hoàn toàn xứng đáng. Càng đi sâu vào càng thấy giá trị lao động phải được tôn trọng và không chỉ tôn trọng giá trị lao động của người này mà quên người kia", ông nói.
Tại buổi họp, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh chia sẻ đây là điều "mừng nhất" với giới nhạc sĩ. Bố chồng ca sĩ Mỹ Linh đùa rằng con dâu ông đi hát có khi hai đêm được 150 triệu đồng là chuyện bình thường, trong khi các nhạc sĩ có khi chẳng được nhớ đến.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy - Chuyên viên Phòng quản lý nghệ thuật Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội - cho biết căn cứ vào Nghị định sửa đổi, bổ sung và thông tư hướng dẫn thực hiện sắp tới của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở sẽ xây dựng bộ thủ tục hành chính để các đơn vị tổ chức biểu diễn căn cứ vào đó thực hiện.
Chị Thúy cho rằng điều khác biệt nhất là việc thực hiện bản quyền âm nhạc sẽ nằm trong thủ tục. Chị cũng nhận định vấn đề quan trọng nhất vẫn là trung tâm và đơn vị tổ chức có thỏa thuận được hay không. "Hai bên phải tìm được tiếng nói, người thu tiền bản quyền và người trả tiền bản quyền phải thống nhất, trung tâm cũng phải xây dựng được một barem để người tổ chức cảm thấy phù hợp vì có một số đơn vị thấy tiền bản quyền hơi cao, mức chi trả không đáp ứng được nên không tổ chức nữa".
Theo chị Thúy, trước đây có một số đơn vị tổ chức ý thức chấp hành bản quyền chưa tốt. "Nhiều khi từ trước tới nay chưa phải trả tiền bản quyền nên họ thấy hơi tiếc, coi việc trả bản quyền chưa quan trọng hay ăn cắp chất xám quen rồi. Bây giờ phải tuyên truyền, sử dụng tác phẩm có kinh doanh đương nhiên phải trả tiền cho sản phẩm đấy. Tôi nghĩ việc cần thiết là phải xây dựng cho một số đơn vị có ý thức hơn trong thực hiện luật bản quyền".
Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết không chỉ đơn vị tổ chức biểu diễn mà các ca sĩ cũng phải có trách nhiệm trong việc thực hiện bản quyền. "Hiện nay, họ dường như đang đứng ngoài cuộc".
Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 79 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5.
Di Ca