Bên trong hành lang sáng đèn, Kristina Peterson bồn chồn bước đi trên mặt sàn gạch. Vài phút trước, cô đã cung cấp ngày sinh và trả lời câu hỏi về loại ma túy định sử dụng cho điều phối viên tiếp nhận trong một tòa nhà ở New York.
"Tôi sẽ dùng heroin", Peterson nói, chỉ vào chiếc túi bóng nhỏ nhét trong túi xách.
Người phụ nữ này bắt đầu sử dụng heroin gần 10 năm trước và chứng nghiện của cô ngày càng nghiêm trọng. Peterson thường sử dụng ma túy trong những góc tối tại ga tàu điện ngầm. Gần đây, cô dùng heroin quá liều trong một công viên, may mắn được đưa đến phòng cấp cứu kịp thời.
"Không có gì đáng tự hào về điều này, nhưng nếu lên cơn vật, tôi muốn dùng ma túy ở đây", Peterson nói khi ngồi bên trong tòa nhà, vốn là một trong hai trung tâm chống quá liều được giới chức địa phương cho phép thành lập ở New York.
Mỹ ghi nhận 100.000 người chết vì sốc ma túy năm 2023, cao nhất lịch sử. Theo giới chức y tế Mỹ, dấu mốc đáng buồn này xuất phát từ những căng thẳng do đại dịch Covid-19 và do nguồn ma túy ngày càng kém chất lượng, gây nguy hiểm.
Trước tình hình này, một số quan chức và nhà hoạt động đã kêu gọi thúc đẩy những trung tâm chống quá liều, nơi người nghiện có thể sử dụng ma túy dưới sự giám sát của người có chuyên môn và có thể được điều trị ngay lập tức nếu có triệu chứng sốc thuốc.
Hai trung tâm chống quá liều tại New York được tổ chức phi lợi nhuận OnPoint NYC tài trợ và điều hành, với sự hỗ trợ của Thị trưởng Eric Adams. Các trung tâm tương tự từ lâu đã xuất hiện ở Canada, châu Âu và Australia, nhưng Bộ Tư pháp Mỹ gần đây mới có dấu hiệu bật đèn xanh cho những cơ sở như vậy.
Kể từ khi OnPoint NYC mở trung tâm tại một tòa nhà 4 tầng trong khu dân cư yên tĩnh ở East Harlem hồi tháng 11/2023, hàng trăm người sử dụng ma túy đã lui tới đây hàng ngày.
Sau khi cung cấp thông tin về loại ma túy định sử dụng, người nghiện sẽ được điều phối viên cung cấp kim tiêm, tẩu hoặc khay vô trùng để đun nóng heroin.
Các giám sát viên được đào tạo sẽ theo sát các dấu hiệu phản ứng của người dùng ma túy. Nếu có triệu chứng sốc thuốc, nhóm sẽ điều trị cho người dùng bằng naloxone.
Giới chức y tế New York cho biết hai trung tâm chống quá liều của OnPoint NYC đã phục vụ gần 700 người nghiện, can thiệp kịp thời 134 ca sốc thuốc.
"Các trung tâm này đang cứu sống những hàng xóm, người thân của chúng ta", bác sĩ Dave Chokshi, ủy viên y tế New York, nói.
Những người chỉ trích cho rằng cần nghiêm cấm thực hiện bất kỳ động thái nào có thể tạo điều kiện cho hành vi sử dụng ma túy. Nhưng Sam Rivera, giám đốc điều hành OnPoint NYC, cho hay chính sách cấm đoán như vậy đã tồn tại từ nhiều năm, song hàng chục nghìn người Mỹ vẫn chết do sốc thuốc, nhiễm bệnh do tái sử dụng kim tiêm bẩn.
Ông cảnh báo hiện heroin đang được thay thế với fentanyl, loại chất gây nghiện có thể khiến người dùng tử vong khi bị sốc thuốc dù với liều rất nhỏ. OnPoint NYC cũng cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế, sức khỏe tâm thần cho người dùng ma túy ở New York.
"Đó là những sinh mạng được trao một cơ hội mới. Không nên phán xét, chỉ cần nhận ra nhiều người đang được cứu", Kailin See, làm việc cùng Rivera, giúp mở một số trung tâm chống quá liều ở Vancouver, Canada, nói.
Nhưng không phải ai cũng đồng ý với quan điểm này. Các trung tâm chống quá liều đã là chủ đề gây tranh cãi trong nhiều năm ở các thành phố lớn tại Mỹ.
Ý tưởng này bị cựu thống đốc California Jerry Brown bác bỏ năm 2018. Ông Brown đã phản đối ý tưởng thành lập thí điểm các trung tâm ở San Francisco, khẳng định cho phép sử dụng các loại ma túy sẽ không bao giờ có hiệu quả.
Nghị sĩ Cộng hòa Nicole Malliotakis đã kêu gọi Bộ Tư pháp đóng cửa các trung tâm chống quá liều ở New York. "Tội phạm và người sử dụng fentanyl đang ở mức cao kỷ lục. Những cơ sở này không chỉ khuyến khích sử dụng ma túy, mà còn làm suy giảm chất lượng cuộc sống người dân", bà tuyên bố.
Nhóm chỉ trích lưu ý hai cơ sở đều nằm ở các khu dân cư có đông người da màu và người gốc Latin sinh sống. Họ cảnh báo khuyến khích sử dụng ma túy ở những khu vực này có thể khiến bạo lực gia tăng.
Nhóm ủng hộ, trong đó có giám đốc Rivera, dẫn khảo sát cho biết các trung tâm ở Vancouver, Canada làm giảm ca tử vong do sốc thuốc, nhưng không phát hiện bằng chứng về tỷ lệ tội phạm gia tăng ở các khu vực lân cận.
Chứng nghiện của Peterson bắt đầu từ khi cô được kê thuốc Vicodin năm 2008 để chống lại cơn đau dữ dội do chứng vẹo cột sống. "Thật buồn là tôi đã nghiện. Tôi chưa từng muốn điều này", Peterson, 39 tuổi, nói.
Trong nhiều năm, cô dùng heroin tới ba lần một ngày. Cô sau đó gặp chồng, người cũng nghiện ma túy. Hai người đã cùng nhau tìm cách điều trị bằng methadone và cuối cùng cũng thành công.
Peterson sau đó làm nhiều vị trí phục vụ bàn tại các địa phương ở New York, dần ổn định cuộc sống. Nhưng những năm gần đây, hai vợ chồng tái nghiện, nặng đến mức "không thể vượt qua".
Sợ chết vì sốc thuốc nếu dùng một mình, họ quyết định chỉ dùng cùng nhau. Kể từ 2019, Peterson đã ba lần dùng ma túy quá liều.
Cô từng tìm kiếm giúp đỡ, đôi khi vài tuần không dùng heroin, nhưng cơn vật lại kéo đến. Sau khi được nghe về trung tâm chống quá liều, cô cố gắng đến "bất cứ khi nào cảm thấy cần phải đến". Peterson hiện dùng heroin 1-2 lần một tuần tại trung tâm.
Trước mặt cô là chiếc bàn kim loại có 8 chỗ, giống như góc ngồi ở thư viện. Các chỗ ngồi này được khử trùng mỗi lần sử dụng. Gần đó là một chiếc bàn đặt kim tiêm, khay đun ma túy, que thử fentanyl và ga-rô sạch. Ngoài Peterson, 4 người khác đã ngồi vào chỗ để dùng ma túy.
"Không ai trong chúng tôi muốn ở đây, nhưng tôi chỉ đang cố gắng để mình không chết vì sốc thuốc", cô nói.
Đức Trung (Theo Los Angeles Times)