"Ai đó cứu với! Có ai có Narcan không?", Will Krtek liên tục thổi vào miệng, ép tay lên ngực nạn nhân, hét tên loại thuốc có thể cứu người dùng opioid quá liều.
Bản thân Krtek, 39 tuổi, cũng là người sử dụng fentanyl. Anh ta đang chuẩn bị dùng một liều thì thấy thanh niên này lăn lộn trên vỉa hè đường Mission.
Một số cảnh sát gọi cấp cứu. Một người vô gia cư lao ra từ căn lều bên kia đường, nhồi một ống bơm chứa Narcan vào lỗ mũi thanh niên. Nạn nhân thoát chết, nhưng vẫn co giật, la hét không ngừng khi nhân viên y tế có mặt.
Đây là cảnh thường xuyên xảy ra ở San Francisco, California. Opioid là nhóm thuốc giảm đau gây nghiện, tạo cảm giác thoải mái cho người sử dụng. Dựa trên hiệu quả giảm đau, opioid được phân thành opioid yếu (với thành phần như tramadol, codeine...) và opioid mạnh (với thành phần như morphine, fentanyl...). Trong đó, fentanyl là một trong những loại opioid mạnh nhất và gây nghiện cao, mạnh hơn heroin 50 lần và mạnh hơn morphine 100 lần.
Nạn nghiện fentanyl là vấn đề gây đau đầu cho giới chức Mỹ vài năm gần đây. Những người nghiện đi lại vật vờ trên đường hay nằm bất tỉnh trên vỉa hè, trên da nổi những vết loét và khối áp xe.
Giới chức y tế San Francisco ghi nhận 563 trường hợp tử vong do sử dụng ma túy quá liều trong 8 tháng đầu năm. Tháng 8 là thời điểm chết chóc nhất với 84 trường hợp. Trung bình, San Francisco ghi nhận 3 người chết vì sốc ma túy mỗi ngày. Truyền thông địa phương ước tính San Francisco có thể ghi nhận 845 trường hợp trong năm nay, vượt mức kỷ lục 725 ca năm 2020.
"Nơi đây thật điên rồ, thật đáng buồn. Giống như ngày tận thế do đại dịch thây ma vậy", Georgia Taylor, người nghiện fentanyl 32 tuổi, nói. "Tôi từng cai nghiện thành công, giờ tôi muốn cai nghiện trước khi dùng quá liều và chết. Nhưng điều này thực sự rất khó".
Lượng fentanyl trên đường phố San Francisco đã tăng gấp ba lần so với năm 2020. Trong 6 tuần kể từ ngày 1/5, cảnh sát California đã thu giữ hơn 4,2 kg fentanyl ở San Francisco, đủ giết chết hơn 2,1 triệu người.
"Nó có ở khắp nơi. Tôi nhìn thấy nỗi đau khổ, tuyệt vọng ở nhiều khu nhà. Có hàng nghìn người lang bạt trên đường phố, sống trong lều, hầu hết nghiện ma túy đá, fentanyl", Tom Wolf, người từng nghiện ma túy, nói.
Theo Văn phòng Y tế San Francisco, trong số 563 trường hợp tử vong vì sốc ma túy có đến hơn 450 ca sốc fentanyl. Trong khi thành phố này chỉ ghi nhận 36 ca sốc fentanyl trên 222 trường hợp tử vong vì ma túy năm 2017.
Trong khi đó, những kẻ buôn bán ma túy cho rằng người nghiện đều tự đưa ra quyết định của mình.
"Tôi không quan tâm đến những người sốc ma túy. Bạn chọn bỏ thứ đó vào miệng và đó là việc của bạn. Tôi thì cần kiếm tiền", một người phân phối trung niên nói, trong khi đưa fentanyl cho một phụ nữ với giá 10 USD.
"100 người ở đây có 100 lý do khác nhau để dùng ma túy, không thể giúp những người không muốn được giúp", Taylor nói. Người phụ nữ này bắt đầu sử dụng opiod tổng hợp sau khi cơ quan bảo vệ trẻ em tước quyền nuôi con của cô.
Hội đồng Giám sát San Francisco đang chỉ trích chính quyền thành phố, khi truyền thông địa phương đưa tin rằng một số kẻ buôn ma túy kiếm được tới 350.000 USD mỗi năm và vẫn đủ điều kiện hưởng cố vấn pháp lý từ luật sư công.
"Nhiều khách hàng mà chúng tôi đại diện, trong đó có những người bị cáo buộc tàng trữ, buôn bán ma túy, là người vô gia cư hoặc sống trong các khu tập trung với điều kiện tồi tàn. Họ mắc kẹt trong vòng xoáy bóc lột, phân biệt chủng tộc và bài ngoại", Văn phòng Luật sư Công phản hồi trong một tuyên bố.
Trở lại vỉa hè đường Mission, thanh niên sốc ma túy là người thứ 4 được Will Krtek cứu sống trong hơn một tuần qua. Krtek nhiều lần cứu người, song sau đó hay tin họ không qua khỏi trong bệnh viện.
"Điều đó khiến tôi rơi lệ, một ngày nào đó, tôi có thể là anh ấy. Tôi không có nhà, muốn ngừng sử dụng fentanyl nhưng không thành. Nó quá mạnh và sẽ không buông tha bạn", Krtek nói.
Đức Trung (Theo Fox News, San Francisco Chronicle)