Thứ sáu, 27/12/2024
Thứ sáu, 6/2/2015, 11:36 (GMT+7)

Trung tâm cai nghiện tự nguyện đầu tiên ở Hà Nội

Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động xã hội số 6 (Hà Nội) đang có 220 học viên cai nghiện tự nguyện và hơn 90 người cai nghiện bắt buộc. Mọi hoạt động ở đây đều tuân thủ nguyên tắc: Nghiêm như bộ đội, sạch như công viên, chữa trị như bệnh viện và giáo dục như trường học.

Được mở cửa cách đây một tháng, Trung tâm Giáo dục Lao động số 6 hàng ngày tiếp đón nhiều người đến cai nghiện tự nguyện. Nếu mô hình này thành công, TP Hà Nội sẽ mở thêm 10 trung tâm khác. Trong ảnh, anh Trịnh Văn Quý, 42 tuổi, đang viết đơn đăng ký vào cai nghiện tự nguyện với thời gian 3 tháng. Anh phải hoàn thành hồ sơ, gồm: Đơn xin cai nghiện tự nguyện có dán ảnh; hợp đồng tự nguyên cai nghiện; kết quả xét nghiệm có chất gây nghiện trong nước tiểu (do trung tâm thực hiện); giấy chứng minh thư nhân dân hoặc hộ khẩu thường trú có chứng thực để đối chiếu.

Tại các phòng sinh hoạt, học viên được yêu cầu giữ vệ sinh sạch sẽ. Học viên Nguyễn Văn Khôi, 30 tuổi, mới vào trung tâm được hơn 10 ngày. Khôi nghiện từ năm 2007, đây chính là lý do khiến gia đình tan vỡ, vợ con bỏ vào Sài Gòn sinh sống. Anh quyết tâm đi cai nghiện để có cơ hội đoàn tụ cùng gia đình.

Học viên Hoàng Đức Quy, 33 tuổi, ở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) nghiện từ năm 2000, có vợ và 2 con gái. Anh Quy vào trung tâm được 3 ngày thì cũng là 3 ngày trong phòng cắt cơn. 

Học viên Trịnh Văn Chức, 44 tuổi, ở Văn Tự - Thường Tín - HN, nghiện từ năm 2007. Hối hận vì đã nghiện mà tuý làm ảnh hưởng đến gia đình, sau thời gian cắt cơn tại trung tâm, anh bảo thấy thoải mái hơn về tinh thần và càng quyết tâm cai nghiện để được trở về với gia đình.

Mỗi học viên đều phải giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh chung, tuân thủ theo giờ giấc sinh hoạt của trung tâm đề ra. 

Trong liệu trình cai nghiện, lao động được xem là biện pháp giúp học viên xa dần ma túy. Hàng ngày, các học viên tham gia trồng rau để phục vụ cho chính bữa ăn của họ. Trung bình mỗi tháng, Trung tâm thu được 2 tấn rau cải bắp, cải ngồng, củ cải.

Trung tâm còn một chuồng lợn khá lớn do các học viên tự chăm sóc, mỗi tháng thu khoảng 700 kg thịt.

Các hoạt động thể thao như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn tại Trung tâm đều được học viên tham gia nhiệt tình.

Bữa trưa bắt đầu lúc 11h, mỗi suất ăn của học viên là 12.500 đồng. Nếu gia đình có nhu cầu đóng góp thêm thì sẽ tăng lên 17.500 đồng/suất.

Khi các hoạt động ngoài trời kết thúc, học viên về phòng để cán bộ của trung tâm kiểm tra.

Nhà khách của Trung tâm còn có thêm buồng hạnh phúc, dành cho những học viên có thời gian cai nghiện tốt. Mỗi phòng có giá thuê là 100.000 đồng/ngày, còn qua đêm giá thuê sẽ là 200.000 đồng. Học viên Đỗ Văn Hải gặp vợ dịp cuối tuần. Vợ chồng Hải cưới nhau được 12 năm và đã có một con gái 11 tuổi.

Cô giáo Nguyễn Thị Nhung đang hướng dẫn kỹ năng hỗ trợ xã hội, giúp học viên sau khi cai nghiện ra ngoài sẽ không mặc cảm, hoà đồng và sống lạc quan hơn. Theo UBND Hà Nội, năm 2015 thành phố phấn đấu tổ chức cai nghiện ma túy bắt buộc cho 4.010 người (trong đó số mới là 1.000); cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện là 1.500 lượt người; quản lý sau cai nghiện tại trung tâm 3.850 người; quản lý sau cai tại nơi cư trú cho 4.140 người. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục thí điểm Đề án điều trị thay thế bằng methadone, duy trì hoạt động 31 câu lạc bộ quản lý sau cai; tổ chức dạy nghề cho 800 người sau cai.

Giang Huy