Thông tin được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc đưa ra tại buổi triển khai nhiệm vụ phòng chống ma túy, mại dâm và HIV/AIDS của thành phố sáng 12/1.
Theo bà Ngọc, sau rất nhiều khó khăn trong năm 2014 để đưa người nghiện đi cai, cuối năm 2014 thành phố đã ban hành quyết định về quy chế trình tự, thủ tục, thẩm quyền tổ chức cai nghiện ma túy.
"Quy trình của Chính phủ mất 37 ngày, trong khi quy định của thành phố mất 13 ngày. Chỉ trong 10 ngày đầu năm 2015, thành phố đã đưa được gần 200 người đi cai nghiện tại các trung tâm", bà Phó Chủ tịch thông báo.
Lãnh đạo Hà Nội cho rằng cần tiếp tục thực hiện song song cả hai hình thức cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện. Từ hiệu quả của công tác cai nghiện tự nguyện, các đơn vị nên chú trọng vào hình thức này.
Dẫn lại cách đưa người đi cai nghiện tự nguyện của quận Thanh Xuân (đơn vị dẫn đầu khi đưa được 37 người đi cai nghiện) là công an đến vận động, phân tích rõ chủ trương chính sách của thành phố. Khi đến đưa người đi cai, công an mặc thường phục, không sử dụng các hình thức cưỡng chế... lãnh đạo thành phố đề nghị cần làm tốt công tác tuyên truyền.
"Đề nghị đưa gia đình, người nghiện đến trung tâm cai nghiện tự nguyện, để họ mắt nhìn, tai nghe về thực tế cuộc sống trong trung tâm. Đề nghị ngành lao động tạo điều kiện cho các quận, huyện đến trung tâm tham quan, học tập", bà Phó Chủ tịch Hà Nội nêu.
Bà Ngọc cho hay, thành phố miễn phí toàn bộ chi phí cho người cai nguyện tự nguyện trong 6 tháng. Người cai nghiện tự nguyện được đối xử như bệnh nhân. Trung tâm 05 đang xây 12 phòng hạnh phúc rất đẹp, sẽ hoàn thành trước tết âm lịch.
"12 phòng hạnh phúc này được xây dựng để phục vụ người cai nghiện tự nguyện có nhu cầu gặp gỡ gia đình, vợ con thì được mượn phòng qua đêm. Phòng không được tiêu chuẩn 4 sao nhưng cũng cỡ 2 sao vì là phòng khép kín, điều hòa đầy đủ", bà Ngọc cho hay.
Trước đó, ngày 5/1,Trung tâm chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội số 5 (Sở Lao động, Thương binh & Xã hội Hà Nội) đã khai trương cơ sở thí điểm cai nghiện tự nguyện. Sau 6 tháng nếu hoạt động hiệu quả, Hà Nội sẽ nhân rộng 10 trung tâm khác trên địa bàn thành phố.
Đến 15/11/2014, thành phố có trên 15.800 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó có mặt tại cộng đồng hơn 7.200 người, vắng mặt trên 1.600 người, ở trung tâm 4.454 người, ở trường, trại 2.498 người. |
Võ Hải