Ngày 20/11, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao bắt tạm giam 4 tháng đối với trung tá Nguyễn Tuyến Dũng, Đội phó Đội điều tra án nhân thân của Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Tiền Giang. Ông Dũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi Lạm quyền trong khi thi hành công vụ.
Cùng ngày, Công an tỉnh Tiền Giang làm thủ tục tạm đình chỉ công tác và sinh hoạt Đảng đối với sĩ quan này để phục vụ điều tra. Trước đó, ngày 16/11, ông Dũng bị VKSND Tối cao mời làm việc.
Nhà riêng của ông Dũng bị khám xét sáng 20/11. Ảnh: Người lao động |
Bị khởi tố cùng hành vi với ông Dũng nhưng được tại ngoại là ông Nguyễn Văn Nên (nguyên Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Tiền Giang). Ông Nên còn đang bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ cùng với hai cựu sĩ quan Ngô Thanh Phong (nguyên Trưởng phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ công an tỉnh Tiền Giang) và Phạm Văn Út (nguyên Đội trưởng Đội tham mưu Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an Tiền Giang) trong vụ án lấy tiền tang vật của nhóm buôn xăng dầu Trần Thế Hùng (Hùng “Xì Tẹc”) gửi ngân hàng lấy lãi chia nhau.
Theo cơ quan điều tra, ông Dũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến thời gian còn làm trinh sát trong "chuyên án Năm Cam" do ông Nên làm Đội trưởng từ 12 năm trước. Thời điểm ấy ông Nguyễn Viết Tạo (Tổng giám đốc Công ty gas Bình Dương) xảy ra tranh chấp về vốn góp với các thành viên HĐQT của công ty. Trong lúc chờ tòa án giải quyết, Chủ tịch HĐQT của công ty này đã kéo một số người đến giữ tài sản của công ty vì sợ ông Tạo tẩu tán. Sự việc sau đó đã được Công an tỉnh Bình Dương giải quyết.
Tuy nhiên, trong quá trình Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang giải quyết "chuyên án Năm Cam", ông Tạo đã gửi đơn đến Ban chuyên án tố cáo "thành viên HĐQT công ty Hưng Thịnh thuê xã hội đen trong băng nhóm Năm Cam" chiếm giữ tài sản của công ty mình. Vì vậy, ngày 27/3/2003, ông Nên với tư cách là Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang đã ra lệnh bắt khẩn cấp ông Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng (Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Hưng Thịnh) cùng 5 người khác về hành vi Gây rối trật tự công cộng.
Kết quả điều tra xác định, khi vụ án bị khởi tố, VKSND Tối cao từ chối phê chuẩn lệnh tạm giam đối với ông Lân và ông Hướng nhưng họ không được trả tự do. Một lãnh đạo cấp cao của cơ quan điều tra đã bút phê "bảo đảm" việc bắt người là đúng pháp luật, tiếp tục đề nghị VKSND Tối cao phê chuẩn.
Ngày 11/6/2003, VKSND Tối cao đồng ý phê chuẩn lệnh tạm giam đối với ông Lân, đồng thời ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Hướng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Nên bị cho là "lờ" đi các quyết định này khiến ông Hướng bị giam 60 ngày không có lệnh phê chuẩn, trong đó có 26 ngày bị giam "oan" khi đã được VKSND Tối cao cho tại ngoại hầu tra.
Tiếp đó, ngày 27/8/2003, ông Nên nhận được lệnh của VKSND Tối cao hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với ông Lân và hai người khác. Nhưng đến ngày 1/9/2003 ông Nên mới thực hiện khiến ông Lân cũng bị giam "lố" 5 ngày. Hơn một năm sau, VKSND Tối cao đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can với tất cả những người liên quan.
Cơ quan điều tra cho rằng, việc ông Nên bắt khẩn cấp những người này về hành vi Gây rối trật tự công cộng xảy ra trước đó 3 năm tại Bình Dương, trong khi các ông này không cư trú, làm việc tại Tiền Giang là "không đúng thẩm quyền". Ông Nên không trả tự do cho bị can khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền là biểu hiện rõ động cơ vụ lợi, cá nhân.
Liên quan đến vụ án, cơ quan điều tra xác định ông Nên và ông Dũng đã thu giữ 5,25 tỷ đồng của ông Nguyễn Văn Cư (cùng vợ Huỳnh Thị Thu) từ năm 2003 trong vụ tranh chấp quyền sử dụng đất với ông Bùi Mạnh Lân ở Bình Dương. Số tiền này được gửi tiết kiệm lấy lãi, đến năm 2009 vợ chồng ông Cư mới nhận lại được.
Vụ án đang được tiếp tục điều tra để làm rõ hành vi của những người có liên quan.
Thiên Phước