Dù những việc làm trên đã xảy ra từ nhiều năm trước nhưng ông Ngô Thanh Phong (nguyên Trưởng phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ công an tỉnh Tiền Giang), ông Phạm Văn Út (nguyên Đội trưởng Đội tham mưu văn phòng Cơ quan CSĐT công an Tiền Giang) và ông Nguyễn Văn Nên (nguyên Trưởng Công an huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) vẫn bị Cục Điều tra hình sự (VKSND Tối cao) khởi tố về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”. Chỉ riêng ông Út bị bắt tạm giam, hai người còn lại được tại ngoại hầu tra.
Bị can Út nghe đọc lệnh bắt. Ảnh: Báo Công an TP HCM |
Theo điều tra của VKSND Tối cao, năm 2000, ông Nguyễn Viết Tạo, tổng giám đốc Công ty gas Bình Dương, có xảy ra tranh chấp về vốn góp với các thành viên HĐQT của công ty. Trong lúc chờ tòa án giải quyết,
chủ tịch HĐQT của công ty này đã kéo một số người đến giữ tài sản của công ty vì sợ ông Tạo tẩu tán. Sự việc sau đó đã được công an tỉnh Bình Dương giải quyết. Tuy nhiên, trong quá trình Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang giải quyết chuyên án “Năm Cam”, ông Tạo đã gửi đơn đến Ban chuyên án tố cáo “thành viên HĐQT công ty Hưng Thịnh thuê xã hội đen trong băng nhóm Năm Cam” chiếm giữ tài sản của công ty mình.Đến ngày 27/3/2003, ông Nguyễn Văn Nên với tư cách là Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT công an tỉnh Tiền Giang đã ra lệnh bắt khẩn cấp ông Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng (tổng giám đốc và phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Hưng Thịnh) cùng 5 người khác về hành vi “gây rối trật tự công cộng”.
Khi vụ án bị khởi tố, VKSND tối cao từ chối phê chuẩn lệnh tạm giam đối với ông Lân và ông Hướng nhưng cơ quan điều tra không trả tự do cho hai ông này. Một lãnh đạo cấp cao của cơ quan này đã bút phê “bảo đảm” việc bắt người là đúng pháp luật, tiếp tục đề nghị VKSND tối cao phê chuẩn.
Ngày 11/6, VKSND tối cao đồng ý phê chuẩn lệnh tạm giam đối với ông Lân, đồng thời ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Hướng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Nên “lờ” đi các quyết định này khiến ông Hướng bị giam 60 ngày không có lệnh phê chuẩn, trong đó có 26 ngày bị giam “oan” khi đã được VKSND Tối cao cho tại ngoại hầu tra.
Tiếp đó, ngày 27/8/2003, ông Nên nhận được lệnh của VKSND tối cao hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với ông Lân và hai người khác. Nhưng mãi đến ngày 1/9/2003 ông Nên mới thực hiện khiến ông Lân cũng bị giam lố 5 ngày. Hơn một năm sau, VKSND Tối cao đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can với tất cả những người liên quan.
Theo Cơ quan điều tra hình sự Viện KSND tối cao, việc ông Nên bắt khẩn cấp những người này về hành vi “gây rối trật tự công cộng” xảy ra trước đó 3 năm tại Bình Dương, trong khi các ông này không cư trú, làm việc tại Tiền Giang. Đây là việc làm không có căn cứ pháp luật và không đúng thẩm quyền. Việc ông này không trả tự do cho bị can khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền là biểu hiện rõ động cơ vụ lợi, cá nhân.
Cũng theo điều tra của VKSND Tối cao, trong thời gian này, ông Nên còn thu giữ 5,25 tỷ đồng trong vụ tranh chấp của ông Lân ở Bình Dương trong suốt 6 năm trời. Theo Viện, hành vi này của ông Nên có dấu hiệu của tội “lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Đông đảo người dân đến xem cơ quan chức năng bắt người. Ảnh: Báo Công an TP HCM. |
Cục Điều tra hình sự VKSND Tối cao còn xác định, cuối năm 2002, công an Tiền Giang tiến hành điều tra chuyên án 502X về việc buôn lậu xăng dầu của băng nhóm Trần Thế Hùng (tức Hùng “Xì Tẹc”). Trong quá trình thụ lý, Phòng CSĐT công an Tiền Giang tạm giữ rất nhiều tiền và tài sản của đương sự nhưng không mở tài khoản tạm gửi tại kho bạc để quản lý mà đem gửi tiết kiệm lấy lãi, nhập quỹ riêng của đơn vị.
Để làm việc này, sau khi bàn bạc với ông ông Ngô Thanh Phong (Trưởng phòng CSĐT công an Tiền Giang), ông Nên viết tay chỉ đạo các thuộc cấp, trong đó có Phạm Văn Út (Thủ kho vật chứng): “Toàn bộ số tiền thu của vụ án 502X đem gửi ngân hàng, gửi không kỳ hạn. Các đồng chí thực hiện, có thể gửi 3 nơi: Nông Nghiệp, Công Thương, Đầu tư”.
Theo đó, từ tháng 11/2002 đến 10/2006, cán bộ dưới quyền ông Nên đã đem gần 30 tỷ đồng và hơn 200.000 USD đi gửi ngân hàng. Số tiền lãi thu được là gần 1,4 tỷ đồng được chỉ đạo nộp vào quỹ riêng của đơn vị rồi chia nhau tiêu xài.
Trước đó, tháng 12/2010, thượng tá Nên bị giáng cấp xuống trung tá, cách hết các chức vụ trong Đảng, chính quyền và cho ra khỏi ngành. Ông Phong khi ấy là đại tá cũng bị xử lý với mức kỷ luật như trên để giải quyết nghỉ hưu. Còn thiếu tá Út bị giáng cấp một bậc xuống còn đại úy.
Vũ Mai