"Trung Quốc bác bỏ nội dung liên quan đất nước chúng tôi trong tuyên bố chung của NATO tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, Litva và kiên quyết phản đối NATO dịch chuyển về phía đông, tiến vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương", phái bộ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) ngày 11/7 ra tuyên bố cho hay.
Bình luận được đưa ra sau khi các lãnh đạo NATO ra tuyên bố chung, trong đó nói rằng Trung Quốc là "thách thức mang tính hệ thống" đối với an ninh châu Âu - Đại Tây Dương và "các tham vọng, chính sách cưỡng ép của Trung Quốc thách thức lợi ích, an ninh và giá trị của chúng tôi".
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng nói với phóng viên tại hội nghị thượng đỉnh rằng Trung Quốc không phải là kẻ thù của NATO, nhưng đang ngày càng thách thức trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự.
"Nội dung liên quan Trung Quốc trong tuyên bố chung coi thường các sự kiện cơ bản, cố tình bóp méo quan điểm và chính sách của Trung Quốc, đồng thời cố tình làm mất uy tín của Bắc Kinh", phái bộ Trung Quốc tại EU cho hay.
Trung Quốc cũng cho rằng việc NATO liên tục nhắc lại thông điệp là "liên minh hạt nhân" sẽ chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuyên bố của phái bộ Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẽ "kiên quyết bảo vệ" chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của mình.
"NATO đã và đang can thiệp vào các vấn đề ngoài lãnh thổ và gây đối đầu. Họ nên lắng nghe kêu gọi chính đáng của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, phát triển và hợp tác, đóng vai trò xây dựng hòa bình và ổn định thế giới", phái bộ cho hay.
Lãnh đạo các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO hai ngày gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tham dự sự kiện nhằm nhắc nhở NATO chú ý đến các nguy cơ ở Đông Á, trong khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tìm kiếm hợp tác an ninh quốc tế sâu sắc hơn trong bối cảnh "gia tăng mối đe dọa từ Triều Tiên" và căng thẳng về Trung Quốc.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg ngày 10/5 xác nhận liên minh đang trong quá trình đàm phán với Nhật Bản về lập văn phòng liên lạc tại Tokyo, có thể đánh dấu sự hiện diện đầu tiên của liên minh quân sự này tại châu Á.
Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối ý tưởng này, cho rằng các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương cần "cảnh giác cao độ" đối với NATO, cáo buộc liên minh đe dọa hòa bình và ổn định tại khu vực. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, châu Á là "một vùng đất hứa hẹn của hợp tác và phát triển, không nên trở thành một đấu trường địa chính trị".
Huyền Lê (Theo Reuters, CGTN)