"Cục diện đảo Điếu Ngư như hiện tại là do lỗi lầm của phía Nhật Bản gây ra. Mỹ không nên chọn đứng về một bên trong vấn đề chủ quyền tại đảo Điếu Ngư và thôi đưa ra những phát ngôn không phù hợp", BBC dẫn lời ông Tần Cương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói hôm qua.
Điếu Ngư là tên mà Trung Quốc dùng để chỉ một quần đảo không người ở trên biển Hoa Đông. Nhật cũng tuyên bố chủ quyền với quần đảo và gọi nó là Senkaku. Quần đảo này là cái gai sâu nhất hiện nay trong mối quan hệ đầy trắc trở giữa Trung Quốc và Nhật. Hiện Nhật quản lý quần đảo này, trong khi vùng nhận dạng mà Trung Quốc mới đưa ra bao trùm lên quần đảo.
Ông Trịnh Tắc Quang, trợ lý bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, hôm qua cũng bày tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ với Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke, "yêu cầu phía Mỹ lập tức sửa chữa sai lầm và dừng chỉ trích Trung Quốc".
Cục Đối ngoại thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc gửi đi thông điệp phản đối đến bộ phận tùy viên quân sự tại Đại sứ quan Mỹ tại Trung Quốc. "Việc Mỹ chỉ trích và phản đối Trung Quốc là không có căn cứ", Thượng tá Dương Vũ Quân, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cho biết.
Trước đó, ngay sau khi Bắc Kinh hôm 23/11 tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, Washington bày tỏ quan ngại sâu sắc đồng thời cam kết sẽ bảo vệ Nhật Bản.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry yêu cầu Trung Quốc "thận trọng và kiềm chế", đồng thời cảnh báo nước này về việc thực hiện vùng nhận dạng phòng không. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nhấn mạnh, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, mà Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp, nằm trong hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật. Điều này đồng nghĩa với việc Washington sẽ bảo vệ đồng minh của mình nếu khu vực này bị tấn công.
Đức Dương