"Chúng tôi yêu cầu chi nhánh của các hãng tin gồm American Broadcasting Corporation, Los Angeles Times, Minnesota Public Radio, Bureau of National Affairs, Newsweek và Feature Story News nộp văn bản báo cáo về nhân viên, tài chính, hoạt động và bất động sản của họ tại Trung Quốc trong vòng một tuần", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết hôm nay.
Quan chức Trung Quốc khẳng định đây là hành động đáp trả cần thiết và tương xứng với "sự đàn áp phi lý nhằm vào các tổ chức truyền thông Trung Quốc tại Mỹ", đồng thời cáo buộc Washington áp đặt nhiều hạn chế không chính đáng nhằm vào các cơ quan truyền thông Trung Quốc.
"Chúng tôi đã kêu gọi Mỹ thay đổi quyết định và bù đắp những thiệt hại gây ra. Tuy nhiên, phía Mỹ đã phớt lờ các đề nghị và cảnh báo của Trung Quốc, đồng thời đẩy mạnh đàn áp chính trị và kỳ thị nhằm vào các cơ quan truyền thông", ông Triệu nói thêm.
Phát biểu được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ đưa 6 cơ quan truyền thông vào danh sách cơ quan chính phủ Trung Quốc, buộc nhân viên của họ đăng ký như phái viên nước ngoài. Ngoại trưởng Mike Pompeo giải thích quyết định này nhằm đảm bảo người dân Mỹ có thể phân biệt giữa tin tức do "báo chí tự do" viết với "thông tin tuyên truyền" do những cơ quan truyền thông này đăng tải.
Theo đó, chi nhánh tại Mỹ của 6 cơ quan truyền thông Trung Quốc gồm Yicai Global, Jiefang Daily, Xinmin Evening News, Social Sciences in China Press, Beijing Review và Economic Daily được coi là các cơ quan chính phủ Trung Quốc.
Theo Đạo luật Phái bộ Nước ngoài, nhân viên làm việc tại Mỹ của những cơ quan truyền thông này phải đăng ký là phái viên nước ngoài với chính phủ Mỹ, giống như nhân viên của các đại sứ quán nước ngoài. Mọi biến động về nhân viên của các cơ quan này cũng phải được thông báo với chính phủ Mỹ và họ phải xin phép trước khi mua hoặc thuê bất động sản.
Bộ Ngoại giao Mỹ đầu năm nay ra quyết định tương tự với 9 hãng truyền thông khác của Trung Quốc, gồm các hãng tin hàng đầu của Bắc Kinh như cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc People’s Daily, Mạng Truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN), China Daily và hãng thông tấn Xinhua.
Quan hệ Mỹ - Trung trở nên tồi tệ trong những tháng gần đây khi hai nước tiếp tục mâu thuẫn về thương mại, nhân quyền và đại dịch Covid-19. Washington và Bắc Kinh cũng ăn miếng trả miếng nhằm vào các cơ quan truyền thông và nhân viên của nhau ở những mức độ khác nhau.
Chính quyền Trump năm nay cũng giảm số phóng viên cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc thường trú ở nước này từ 160 xuống còn 100. Trung Quốc đáp trả bằng cách trục xuất các phóng viên thường trú làm việc cho New York Times, Wall Street Journal và Washington Post, đồng thời yêu cầu các cơ quan này cùng VOA và tạp chí Time cung cấp các thông tin chi tiết về hoạt động, tài chính và bất động sản của họ ở Trung Quốc.
Vũ Anh (Theo Reuters)