Trả lời phỏng vấn bên lề kỳ họp quốc hội đang diễn ra ở Bắc Kinh, đô đốc Viên Hoa Trí, chính ủy hải quân Trung Quốc, cho hay việc phát triển tàu sân bay thứ tư của nước này đang diễn ra thuận lợi và không gặp bất cứ vấn đề nào về kỹ thuật trong quá trình đóng chiến hạm.
Đây là lần đầu tiên giới chức Trung Quốc xác nhận đang đóng tàu sân bay thứ tư, thường được biết đến với tên gọi Type 004, dù ảnh minh họa về mẫu chiến hạm này đã xuất hiện từ lâu trên Internet. Bức hình được cho là bắt nguồn từ xưởng đóng tàu Giang Nam ở thành phố Thượng Hải, nơi tàu Type 004 đang được chế tạo, theo truyền thông Trung Quốc.
Khi được hỏi liệu tàu sân bay mới của Trung Quốc có chạy bằng năng lượng hạt nhân hay không, ông Viên trả lời: "Chúng tôi sẽ sớm tiết lộ với mọi người".
"Tàu sân bay Trung Quốc được chế tạo không chỉ nhằm cạnh tranh với Mỹ, mà còn để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như quyền và lợi ích quốc gia", quan chức này nói, khi được hỏi về sự khác biệt giữa năng lực chiến đấu của tàu sân bay Trung Quốc và Mỹ.
Ông Viên cũng nhấn mạnh Bắc Kinh có đủ khả năng đối phó đội tàu sân bay mà Washington đang triển khai ở Tây Thái Bình Dương, thêm rằng tàu sân bay Trung Quốc dự kiến hoạt động ở vùng biển xa.
Hải quân Trung Quốc hiện sở hữu ba tàu sân bay, trong đó chiếc đầu tiên, Liêu Ninh, được hoán cải từ tuần dương hạm hạng nặng mua từ Ukraine. Sau khi biên chế tàu Liêu Ninh tháng 9/2012, Bắc Kinh dùng kiến thức, kinh nghiệm thu được từ chiến hạm này để đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên là Sơn Đông và biên chế vào tháng 12/2019.
Phúc Kiến là tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc. Con tàu hạ thủy vào tháng 6/2022, dự kiến thực hiện nhiều thử nghiệm trên biển trong năm nay.
Được cho là trọng tâm chính trong nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân "biển xanh" có thể tác chiến xa bờ dài ngày của Trung Quốc, tàu Phúc Kiến là mẫu tàu sân bay hiện đại nhất mà Bắc Kinh hiện sở hữu.
Chiến hạm này được trang bị máy phóng điện từ và cáp hãm đà, thay vì thiết kế cầu nhảy cũ như chiến hạm Liêu Ninh và Sơn Đông, cho phép nó có thể phóng tiêm kích hạm thường xuyên hơn. Tuy nhiên, tàu Phúc Kiến chỉ sử dụng động cơ thông thường giống như hai tàu sân bay còn lại của Trung Quốc.
Giới chuyên gia cho rằng Bắc Kinh có thể trang bị cho tàu Type 004 lò phản ứng hạt nhân, giúp nó có đủ năng lượng để hoạt động xa bờ hơn và di chuyển với tốc độ nhanh hơn.
Các nguồn tin từ quân đội Trung Quốc hồi năm 2022 cho biết công nghệ lò phản ứng hạt nhân của nước này khi đó chưa đủ tiên tiến để trang bị cho tàu sân bay, song không rõ hiện Bắc Kinh đã đạt được tiến bộ trên lĩnh vực này tới mức nào.
Phạm Giang (Theo Global Times, Newsweek, War Zone)