Bên trong một nhà thờ tổ ở ngôi làng phía nam Trung Quốc treo trang trọng bức ảnh của hai lãnh đạo đặc biệt: anh em cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra và Yingluck Shinawatra, theo SCMP.
"Mọi người ở đây đều biết về sợi dây liên hệ giữa họ với nơi này", Xie Yimin, chủ cửa hàng tạp phẩm ở thôn Tháp Hạ, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, nói.
Anh em ông Thaksin và bà Yingluck là những người Trung Quốc nhập cư thế hệ thứ tư ở Thái Lan và xuất thân từ gia tộc Khách Gia. Giống như nhiều người từ thành phố Mị Châu và Triều Châu của Quảng Đông, ông Khâu Xuân Thành, cụ của ông Thaksin, rời Trung Quốc vào cuối thế kỷ 19 để đến Xiêm, cách gọi Thái Lan của người phương Tây.
Trước khi sống lưu vong vì bị chính phủ quân sự lật đổ vào năm 2006 và 2014, ông Thaksin và bà Yingluck là hai gương mặt quen thuộc đối với người dân thôn Tháp Hạ. Với sự giúp đỡ của chính phủ Trung Quốc, trong thời gian đương nhiệm, ông Thaksin tìm lại được nguồn gốc tổ tiên của mình ở ngôi làng này. Cựu thủ tướng Thái Lan đến thăm nơi này lần đầu vào năm 2005 và trở lại cùng em gái vào năm 2014.
Bức chân dung của hai anh em nhà Shinawatra được treo ở trung tâm của một dãy các bức ảnh hậu duệ xuất chúng của dòng họ Khâu trong làng. "Là họ hàng xa của nhà Shinawatra từng là điều mà mọi người ở đây thích nhắc đến", Xie Yimin nói. Nhưng điều này giờ đã lùi vào dĩ vãng.
Ông Thaksin, đứng thứ 19 trong danh sách 50 người Thái giàu nhất năm 2018 của tạp chí Forbes, với tài sản sau thuế lên đến 1,8 tỷ USD. Năm 2006, sau khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự, cựu thủ tướng này đã trốn ra nước ngoài để tránh cáo buộc tham nhũng. Năm 2008, ông bị kết án vắng mặt với mức án hai năm tù.
Trong khi đó, trước khi lên làm thủ tướng, bà Yingluck nổi lên với vai trò là giám đốc điều hành tập đoàn viễn thông và bất động sản do anh trai sáng lập. Tháng 9/2017, tòa án Tối cao Thái Lan tuyên phạt bà Yingluck Shinawatra 5 năm tù với cáo buộc quản lý cẩu thả trong chương trình trợ giá lúa gạo cho nông dân, làm thất thoát ngân sách. Bà trốn ra nước ngoài và tuyên bố cáo buộc trên có mục đích chính trị.
Năm vừa qua, hai anh em nhà Shinawatra thường xuyên thu hút sự chú ý của công chúng trong các chuyến đi tới Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản. Nhưng khi đến thôn Tháp Hạ dâng hương tổ tiên hôm 5/1, theo truyền thông Trung Quốc, không khí ở đây yên tĩnh như bao ngày bình thường.
"Khác hẳn chuyến thăm trước của họ", bà Xie, chủ của cửa hàng tạp hóa chỉ cách nhà thờ họ nhà Shinawatra vài phút đi bộ, cho biết. "Từ vụ bê bối của bà Yingluck, người ta yêu cầu dân làng chúng tôi giữ khoảng cách với họ. Nửa tiếng trước chuyến thăm, dân làng mới biết vì thấy cảnh sát chặn đường. Lần trước, chúng tôi được thông báo trước một tuần", Xie nói và cho biết thêm người dân được yêu cầu tránh xa, chỉ một số quan chức địa phương và họ hàng mới được phép tiếp cận.
Trong chuyến thăm này, anh em ông Thaksin chỉ nán lại nửa tiếng. SCMP bình luận "dường như tấm thảm đỏ đón tiếp trước kia nay đã được cuộn lại". Trong các chuyến trở về trước, chính quyền địa phương tổ chức tiệc và giăng dòng chữ lớn "Chào mừng Thaksin và Yingluck trở về".
Nhưng lần này, ngoài video ngắn bà Yingluck đăng trên Instagram cho thấy hai anh em bước ra khỏi xe và được dân địa phương tươi cười chào đón, báo chí Trung Quốc gỡ mọi tin bài và hình ảnh về chuyến thăm chỉ trong vòng một ngày.
Trong chuyến thăm ngắn ngủi này, họ cũng không thể đến thăm ngôi nhà tổ tiên của họ ngoại, cách Tháp Hạ một giờ lái xe. Ngôi nhà 200 tuổi nằm trên một ngọn đồi nhỏ trồng đầy cây lựu, nơi mẹ của ông Thaksin từng sống. Một người dân địa phương cho biết chính quyền đã sang sửa lại ngôi nhà trong chuyến thăm lần trước nhưng giờ họ không ngó ngàng nữa.
Qiu Mingqian, Đảng ủy viên thôn Tháp Hạ, cho biết kế hoạch bảo tồn lịch sử gia đình Shinawatra đã bị hoãn vô thời hạn. "Chính phủ muốn bảo tồn một vài di sản liên quan đến họ và khôi phục nhà thờ tổ tiên. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa bao giờ được tiến hành vì lý do chính trị".
Trong khi Trung Quốc dường như không còn tỏ ra nồng nhiệt chào đón nhà Shinawatra, di sản gia đình của một lãnh đạo Đông Nam Á khác, chỉ cách đó 80 km, lại được đặc biệt quan tâm. Ở ngã ba đường dẫn vào làng Đường Tây đặt tấm biển "Khu vực Tham quan Quê nhà Lý Quang Diệu", thủ tướng đầu tiên của Singapore và là một người Trung Quốc nhập cư thế hệ thứ tư.
Con đường mới lát gạch, một hồ nước nhân tạo, camera an ninh và hệ thống chiếu sáng tự động bao quanh những ngôi nhà liền kề trăm năm tuổi xây theo truyền thống của Trung Quốc với mái ngói màu xám.
Ngôi nhà tưởng niệm Lý Quang Diệu hai tầng và trung tâm du lịch nằm ở giữa làng, trước nhà thờ tổ của ông Lý đặt hai tấm bảng diễn giải về kiến trúc. Đây là một phần của dự án trị giá 30 triệu nhân dân tệ (4,5 triệu USD) do chính quyền địa phương khởi xướng vào năm 2014 nhằm biến ngôi làng nhỏ với dân số khoảng 300 người thành điểm du lịch ở nông thôn vinh danh người đàn ông đã lãnh đạo Singapore suốt ba thập niên và giúp Singapore độc lập khỏi Malaysia vào năm 1965.
Lý Mộc Văn, cụ của ông Lý Quang Diệu, đến từ làng Đường Tây và di cư tới Singapore làm ăn kinh doanh. Năm 1884, ông bỏ lại gia đình ở Singapore và trở về Trung Quốc xây nhà và lập gia đình mới ở đây.
Bất chấp nỗ lực gắn tên tuổi Lý Quang Diệu với làng Đường Tây, bản thân ông Lý và các con cháu, bao gồm Thủ tướng Singapore đương nhiệm Lý Hiển Long, chưa từng đặt chân tới nơi này.
"Toàn bộ dự án là sáng kiến của Trung Quốc. Chính phủ Singapore không bao giờ thừa nhận điều đó", He Yaohong, nhân viên bảo tàng và cán bộ trong làng, cho biết. "Gia đình ông Lý là những người đứng đầu một quốc gia khác và họ không bao giờ muốn bị gọi là người Trung Quốc".
Cô cho biết khoảng vài trăm cho đến một nghìn du khách đến Đường Tây mỗi tháng chủ yếu là người Trung Quốc hoặc người Singapore gốc Hoa. Có tin đồn rằng em trai ông Lý Quang Diệu đã đến thăm nơi này vào năm 2005. He Yaohong cho biết chính phủ Trung Quốc có thông báo với Singapore về việc xây dựng điểm du lịch này "bởi vì họ sử dụng tên và hình ảnh của ông Lý".
"Chúng tôi đang sử dụng tên của ông ấy cho mục đích riêng. Nhưng miễn là hai bên không thấy có vấn đề gì thì mọi thứ đều ổn", cô He nói.
An Hồng