Hai cựu thủ tướng Thái Thaksin và Yingluck Shinawatra ngày 5/1 đến thăm thôn Tháp Hạ, huyện Phong Thuận, Mai Châu, Quảng Đông. Tháp tùng họ là một nhóm người mặc đồ đen. Người dân Trung Quốc nhiệt tình chào hỏi và xin bắt tay hai người trong khi Yingluck và Thaksin mỉm cười và trò chuyện. Họ đến thăm những người cùng họ trong thôn và sau đó thờ cúng tại nhà thờ tổ.
Kỵ của họ, Seng Saekhu (Khâu Xuân Thịnh), rời Quảng Đông vào những năm 1860 để đến Xiêm (quốc hiệu Thái Lan năm 1782 - 1939). Gia đình ông lấy họ Shinawatra vào năm 1938, khi chính quyền Thái Lan có chiến dịch chống người Hoa.
Một người dân nói với SCMP rằng chính quyền địa phương đã chuẩn bị để đón những "vị khách nổi tiếng người Thái". Một số báo và các trang mạng xã hội Trung Quốc đại lục đã đăng ảnh và video về chuyến thăm nhưng sau đó xóa hết dữ liệu vào chiều 6/1.
Thaksin và Yingluck sống lưu vong ở nước ngoài sau khi họ bị mất ghế thủ tướng Thái vì các cuộc đảo chính quân sự lần lượt vào năm 2006 và 2014. Thái Lan được lãnh đạo bởi chính quyền quân sự kể từ tháng 5/2014. Yingluck bị kết tội sơ suất trong chính sách trợ giá gạo gây thất thoát hàng tỷ USD và bị tuyên án 5 năm tù. Bà trốn khỏi Thái Lan vào tháng 8/2017 với sự hỗ trợ từ anh mình.
Sự xuất hiện của họ ở Trung Quốc diễn ra vào thời điểm chính trị Thái Lan đang trong tình trạng không chắc chắn. Tuần trước, chính quyền quân sự thông báo sẽ trì hoãn ngày tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên kể từ cuộc đảo chính năm 2014, vốn được lên kế hoạch vào tháng hai.
Cuộc bầu cử có thể thiết lập lại cân bằng nếu nền dân chủ được khôi phục ở nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á. Nhà Shinawatra được cho là sẽ tiếp tục thách thức chính quyền quân sự khi họ vẫn có sức ảnh hưởng lớn với Pheu Thai - đảng chính trị được Thaksin thành lập năm 2008.
Chong Ja Ian, giáo sư chính sách đối ngoại tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng cách tiếp cận thận trọng của Trung Quốc đối với chuyến thăm của anh em Shinawatra cho thấy Bắc Kinh không muốn bị lôi cuốn vào vòng xoáy chính trị nội địa Thái Lan.
"Chính phủ Trung Quốc muốn cẩn thận trong cách thể hiện họ ủng hộ ai, ngay cả khi họ đang cố gắng làm việc với tất cả các bên", Chong nói. "Họ có nguy cơ bị lôi kéo vào cuộc tranh luận chính trị trong nước ở Thái Lan và điều đó có thể gây tác động xấu cho lợi ích của Trung Quốc ở Thái Lan và cả Đông Nam Á".
"Về cơ bản, việc truyền thông nội địa đưa tin về chuyến thăm của anh em cựu thủ tướng sẽ khiến Trung Quốc có vẻ như ủng hộ một phe cụ thể trong cuộc bầu cử ở Thái Lan. Điều này sẽ thúc đẩy nghi ngờ rằng Trung Quốc đang can thiệp vào chính trị nước láng giềng và các nơi khác".
Xu Liping, giáo sư Viện nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc tại Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc cũng đang cố gắng quản lý mối quan hệ với anh em Yingluck.
"Trung Quốc muốn cho các đồng minh thấy rằng họ sẽ thể hiện thái độ thân thiện với các cựu lãnh đạo miễn là những người này từng thân thiện với Trung Quốc trong thời gian cầm quyền. Điều này có thể thúc đẩy những lãnh đạo đương nhiệm có thêm động lực duy trì lập trường hữu nghị với Trung Quốc", Xu nói.
"Tuy nhiên, cử chỉ này không phù hợp để tuyên truyền trong trường hợp này, vì theo quan điểm của chính phủ Thái Lan, anh em Yingluck vẫn là những người chạy trốn".
Thái Lan đã yêu cầu Interpol phát lệnh truy nã đỏ với Yingluck, tuy nhiên, các nước không bắt buộc phải bắt người theo lệnh này.
Bangkok và Bắc Kinh có hiệp ước dẫn độ nhưng Trung Quốc chỉ đáp ứng yêu cầu dẫn độ nếu hành vi của người bị truy nã được coi là phạm pháp theo cả luật của nước yêu cầu và Trung Quốc.