Trong nghiên cứu được công bố cuối tuần trước, các nhà khoa học tại Đại học Bách khoa Tây Bắc ở thành phố Tây An của Trung Quốc tuyên bố đã mô hình hóa các sóng Kelvin, vùng nhiễu động dạng chữ V do tàu ngầm tạo ra khi di chuyển, và xác định được sự thay đổi của từ trường ở khu vực loại chiến hạm này hiện diện.
Theo các nhà nghiên cứu, sóng Kelvin sẽ phát sinh từ trường yếu khi ion trong nước biển bị nhiễu loạn và tương tác với từ trường Trái Đất. Thông qua thử nghiệm mô phỏng, họ có thể dựa vào sự thay đổi của từ trường để xác định kích thước, độ sâu và tốc độ của tàu ngầm.
Nhóm nghiên cứu đánh giá tàu ngầm hạt nhân lớp Seawolf tối tân của Mỹ sẽ tạo ra từ trường có cường độ 10⁻¹² tesla khi di chuyển với tốc độ khoảng 45 km/h và ở độ sâu 30 m, nằm trong phạm vi phát hiện của cảm biến từ trường trên máy bay săn ngầm.
Tàu ngầm hiện đại có độ ồn rất thấp, nhờ ứng dụng nhiều công nghệ hạn chế và triệt tiêu âm thanh, nhằm đối phó các hệ thống định vị thủy âm. Trong khi đó, từ trường tồn tại rất lâu sau khi tàu ngầm đi qua và để lại dấu vết cho phép lực lượng săn ngầm phát hiện, theo nhóm nghiên cứu Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc cho rằng công nghệ mới công bố mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Bắc Kinh, nhất là tại các vùng biển rộng lớn xung quanh nước này. Giới chuyên gia quân sự Mỹ từ lâu cho rằng các mẫu tàu ngầm hiện đại nhất như lớp Seawolf có thể đi qua vùng biển gần Trung Quốc mà không bị phát hiện.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Seawolf được Mỹ thiết kế từ những năm 1980 và triển khai sau đó khoảng 10 năm, nhằm thay thế cho tàu ngầm lớp Los Angeles già cỗi. Đây là lớp tàu ngầm tấn công đắt nhất của hải quân Mỹ, có giá 3,5 tỷ USD mỗi chiếc vào thời điểm được chế tạo, tương đương 8,5 tỷ USD hiện nay.
Dù có tuổi đời khá cao, lớp Seawolf vẫn là một trong những mẫu tàu ngầm hiện đại nhất thế giới.
Trung Quốc những năm qua đã phát triển năng lực chống xâm nhập - chống tiếp cận khu vực (A2/AD) để hạn chế hải quân Mỹ hoạt động ở các vùng biển xung quanh nước này. Điều đó khiến Washington phải phụ thuộc nhiều hơn vào hạm đội tàu ngầm để triển khai các hoạt động thăm dò và do thám bí mật.
Hải quân Trung Quốc hiểu rõ mối đe dọa của tàu ngầm Mỹ và đang cố gắng phát triển thêm năng lực ứng phó. Một trong những mục tiêu hàng đầu của Bắc Kinh là sở hữu các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến có khả năng phát hiện những tàu ngầm hiện đại nhất của Washington.
Hồi cuối thập niên 1960, Liên Xô cũng nghiên cứu những phương án để phát hiện tàu ngầm Mỹ dựa theo vệt sóng, thay vì phụ thuộc vào hệ thống định vị thủy âm có tính năng thua kém khí tài phương Tây. Một trong số đó là hệ thống SOKS chuyên đo thay đổi mật độ nước biển và dấu hiệu bức xạ, cho phép bí mật phát hiện vệt sóng do tàu ngầm đối phương tạo ra.
Phạm Giang (Theo Eurasian Times)