Bộ Tài nguyên Môi trường Trung Quốc hôm 18/5 tuyên bố đã khai thác thành công khí tự nhiên từ băng cháy (methan hydrate), có cấu tạo từ khí methane nén chặt trong băng dưới đáy biển, theo Straits Times.
Khối băng cháy đầu tiên được khai thác nằm ở độ sâu 1.266 mét dưới mặt nước biển, bằng giàn khoan Lam Kình số 1 ở khu vực biển Thần Hồ, cách Hong Kong khoảng 300 km về phía đông nam.
"Khai thác khí hydrate sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của Trung Quốc", ông Giang Đại Minh, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trung Quốc cho biết.
Trung Quốc dự kiến sẽ khai thác thương mại nguồn tài nguyên này trước năm 2030, với khối lượng 16.000 m3 mỗi ngày. Một mét khối băng cháy chứa khoảng 164 mét khối khí thiên nhiên thông thường do nó ở thể nén. Nó cũng sạch hơn các nhiên liệu hóa thạch khác vì chứa ít chất gây ô nhiễm hơn.
Trung Quốc cho biết đã phát hiện băng cháy trong những khu vực có lượng băng nén dồi dào như cao nguyên Tây Tạng hay dưới sâu Biển Đông và biển Hoa Đông.
Băng cháy lần đầu được phát hiện ở phía bắc nước Nga những năm 1960. Tuy nhiên, việc nghiên cứu khai thác chúng dưới đáy biển sâu chỉ bắt đầu khoảng 10-15 năm gần đây.
Nhật Bản là nước tiên phong trong lĩnh vực khai thác băng cháy do thiếu tài nguyên thiên nhiên. Tháng 3/2013, Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới khai thác khí đốt tự nhiên từ băng cháy ở đáy biển Thái Bình Dương, ngoài khơi miền trung nước này.
Mỹ và Canada cũng đang nghiên cứu cách khai thác băng cháy dưới lớp băng vĩnh cửu ở khu vực phía bắc Alaska và Canada. Ấn Độ và Hàn Quốc, những nước không có mỏ dầu tự nhiên, cũng tìm cách khai thác băng cháy.
Trung Quốc lần đầu phát hiện băng cháy ở Biển Đông năm 2007. Với thành công khai thác băng cháy ở Thần Hồ, Trung Quốc gọi đó là bước đột phá trong lĩnh vực này.
"So sánh với những nghiên cứu của Nhật Bản, các nhà khoa học Trung Quốc đã khai thác được nhiều hơn", phó giáo sư Praveen Linga, khoa Kỹ thuật Sinh học Phân tử và Hóa học, đại học quốc gia Singapore, nhận xét.
Hồng Hạnh