Guangzhou Daily hôm qua đưa tin cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc phát hiện mỏ băng cháy ở đáy biển sâu tại Biển Đông, gần lòng chảo Châu Giang, tức khu vực bồn địa cửa sông Châu. Khu vực này có thể chứa 100 - 150 tỷ m3 khí thiên nhiên.
Phát hiện mới nhất ở phía tây của lòng chảo hé lộ một vành đai rộng 350 km2 với những suối nước lạnh dưới mực nước biển 1.350-1.430 m.
Giới chức không đưa ra ước tính về trữ lượng mỏ mới. Cuộc thăm dò được chia thành ba đợt, từ tháng 5 năm ngoái đến tháng 10 và tháng ba năm nay, cho thấy sự hiện diện của một lượng lớn băng cháy dưới nước.
Băng cháy hay còn gọi là methane hydrate, có cấu tạo từ khí methane nén chặt trong băng bên dưới đáy biển hoặc đóng băng vĩnh viễn. Nó thường được phát hiện ở rìa thềm lục địa, nơi đáy biển hạ gấp xuống sâu đáy đại dương.
Một mét khối băng cháy chứa khoảng 164 mét khối khí thiên nhiên thông thường do nó ở thể nén. Nó cũng sạch hơn các nhiên liệu hóa thạch khác vì chứa ít chất gây ô nhiễm hơn. Tuy nhiên, việc khai thác nhiên liệu này vì mục đích thương mại gặp nhiều thách thức.
Nhiệm vụ mới nhất sử dụng một tàu lặn điều khiển từ xa của Trung Quốc có tên Cá ngựa. Đây là đợt triển khai đầu tiên của thiết bị có khả năng lặn sâu 4.500 m.
Giới chuyên gia nhận định, để đạt được "mỏ vàng" băng cháy, Trung Quốc đã và đang sử dụng sức mạnh nhằm giành quyền kiểm soát các vùng biển tranh chấp, tuyên bố các yêu sách trên Biển Đông.
Trọng Giáp