"Trung Quốc kiên quyết phản đối tổ chức bất kỳ cuộc họp G20 nào ở lãnh thổ tranh chấp và sẽ không tham dự hội nghị như vậy", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 19/5 nói, đề cập hội nghị nhóm công tác G20 về du lịch sẽ được tổ chức ở Kashmir ngày 22-24/5.
Ấn Độ, quốc gia giữ chức chủ tịch G20 năm nay, đã tổ chức một loạt cuộc họp trên toàn quốc trước thềm hội nghị thượng đỉnh của nhóm ở New Delhi vào tháng 9. Hội nghị G20 về du lịch sẽ được tổ chức tại Srinagar, thủ phủ vùng Kashmir.
Đây là vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan, hiện do New Delhi kiểm soát. Bắc Kinh và Islamabad đều phản đối New Delhi tổ chức hội nghị G20 ở khu vực này. Trong khi đó, Ấn Độ nói có quyền tự do tổ chức các cuộc họp "trên lãnh thổ của mình", đồng thời tăng cường an ninh cho Srinagar.
Pakistan và Ấn Độ đều tuyên bố chủ quyền với toàn bộ vùng Kashmir, nhưng mỗi bên chỉ quản lý một phần khu vực. Hai nước đã trải qua ba cuộc xung đột tại vùng lãnh thổ này từ khi giành độc lập từ Anh năm 1947.
Quan hệ Ấn Độ - Pakistan đóng băng kể từ năm 2019, khi New Delhi thay đổi quy chế bang Jammu và Kashmir, tách bang này thành hai vùng lãnh thổ do chính phủ liên bang kiểm soát.
Jammu và Kashmir là vùng lãnh thổ có đa số người theo đạo Hồi sinh sống. Bất chấp thỏa thuận mà Ấn Độ và Pakistan đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sĩ hai bên tại ranh giới phân chia Kashmir.
Chính quyền Thủ tướng Narendra Modi giải thích rằng quyết định xóa bỏ quy chế đặc biệt với Jammu và Kashmir là cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế, giúp khu vực này hội nhập với phần còn lại của đất nước. New Delhi đang thúc đẩy du lịch ở Kashmir, với hơn một triệu công dân Ấn Độ đến thăm khu vực này vào năm ngoái.
Quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ cũng từng căng thẳng kể từ cuộc đụng độ quân sự ở vùng Ladakh trên dãy Himalaya năm 2020, khiến 20 lính Ấn Độ, 4 lính Trung Quốc thiệt mạng.
Ấn Độ và Trung Quốc sau đó điều hàng chục nghìn binh sĩ và khí tài lên tăng viện cho khu vực biên giới ở vùng Ladakh. Hai nước nhất trí rút phần lớn lực lượng vũ trang khỏi khu vực tranh chấp để hạ nhiệt tình hình sau nhiều cuộc đàm phán.
Ngày 19/5, trong thông điệp bác bỏ phản đối từ Islabamad và Bắc Kinh, New Delhi cho biết "hòa bình ổn định biên giới là điều cần thiết cho mối quan hệ bình thường với Trung Quốc".
Trả lời truyền thông trước khi sang Nhật Bản dự hội nghị thượng đỉnh G7 đang diễn ra ở Hiroshima, Thủ tướng Modi nói mối quan hệ giữa các nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân chỉ có thể dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. "Ấn Độ đã chuẩn bị đầy đủ, cam kết bảo vệ chủ quyền và phẩm giá quốc gia", ông Modi nói với Nikkei Asia.
G20 là nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Cùng với G7, đây là tổ chức quốc tế quan trọng để điều phối các chính sách, hoạt động từ ứng phó biến đổi khí hậu đến xử lý các khoản nợ ở nước ngoài.
Đức Trung (Theo Al Jazeera)