Các khu vực đặt nhiều nhà máy khai thác Bitcoin nhất Trung Quốc, như Thanh Hải và Tân Cương, đã bị chính quyền địa phương ra lệnh cấm. Trong đó, Cơ quan Công nghiệp và Công nghệ tỉnh Thanh Hải đã ra lệnh đóng cửa các khu mỏ Bitcoin từ ngày 9/6, đồng thời cấm các công ty cung cấp đất và điện cho các dự án tiền điện tử. Theo Tân Hoa Xã, thông báo này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm tỉnh và nhấn mạnh việc bảo vệ môi trường trong một bài phát biểu.
Cùng ngày, chi nhánh của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia ở Changji, một khu vực thuộc vùng viễn tây thuộc Tân Cương, đã yêu cầu đóng cửa các xưởng khai thác tiền điện tử. Hiện tại, Tân Cương là khu vực khai thác Bitcoin lớn nhất thế giới dựa trên tỷ lệ băm (hashrate) - thước đo về tổng sức mạnh tính toán của blockchain.
Trên Internet, các thông tin liên quan đến tiền số cũng bị Trung Quốc gỡ bỏ triệt để. Từ 10/6, các kết quả tìm kiếm liên quan đến Huobi, Binance và OKEx - ba sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu - đã bị chặn trên Baidu và Weibo. Tuy nhiên, những từ khóa như "trang web chính thức của Huobi", "tải xuống Huobi" hay "Huobi có hợp pháp không" vẫn xuất hiện.
Đây là lần thứ hai trong năm Weibo loại bỏ các từ khóa và nội dung liên quan đến các sàn giao dịch tiền số. Hồi tháng 3, mạng xã hội này đã đình chỉ tài khoản của cả ba sàn kể trên. Năm 2019, tài khoản người đồng sáng lập Binance - He Yi, cùng doanh nhân tiền số Justin Sun, cũng đã bị khóa. Tuần trước, Weibo đã cấm hàng loạt KOL về tiền điện tử trên nền tảng của mình với lý do "vi phạm nguyên tắc" và "các luật và quy định có liên quan".
Việc "đàn áp" các hoạt động về tiền điện tử gần đây của Trung Quốc được viện dẫn lý do về rủi ro tài chính. Tuy nhiên, quốc gia này cũng lo ngại các vấn đề khai thác sẽ gây ảnh hưởng đến các mục tiêu môi trường. Trung Quốc hiện ra mục tiêu trở thành quốc gia có ngưỡng carbon trung tính vào năm 2060.
Việc khai thác Bitcoin hiện nay tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Theo ước tính mới nhất từ Chỉ số tiêu thụ điện Bitcoin của Đại học Cambridge (CBECI), số điện năng dùng để "đào" Bitcoin tới 111,5 TWh mỗi năm, nhiều hơn tổng năng lượng mà Hà Lan sử dụng.
Việc ngăn chặn khai thác tiền số sẽ tiếp tục được Trung Quốc duy trì thời gian tới. Hôm 7/6, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã tổ chức một cuộc họp với nội dung chính là tăng cường giám sát các nền tảng dịch vụ liên quan đến blockchain, dịch vụ mạng riêng ảo (VPN) và các công nghệ Internet xuyên biên giới.
Trước đó, Hiệp hội Tài chính Internet Quốc gia, Hiệp hội Ngân hàng, Hiệp hội Thanh toán cùng đưa ra tuyên bố về việc cấm dịch vụ tiền điện tử, Uỷ ban Cải cách và Phát triển Nội Mông cũng ra quy định, cấm các mỏ khai thác Bitcoin hoạt động. "Có thể Trung Quốc sẽ ban hành lệnh cấm vĩnh viễn với Bitcoin và các loại tiền điện tử nói chung", Chen Weigang, Tổng giám đốc Ban giám sát các tổ chức tài chính của Uỷ ban điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc nói với China News Weekly.
Bảo Lâm (theo SCMP)