Từ giữa tháng 5, chính phủ Trung Quốc liên tục đưa ra lệnh cấm với hoạt động khai thác và đầu tư Bitcoin. Sau khi Hiệp hội Tài chính Internet Quốc gia, Hiệp hội Ngân hàng, Hiệp hội Thanh toán cùng đưa ra tuyên bố về việc cấm dịch vụ tiền điện tử, Uỷ ban Cải cách và Phát triển Nội Mông cũng ra quy định, cấm các mỏ khai thác Bitcoin hoạt động.
"Có thể Trung Quốc sẽ ban hành lệnh cấm vĩnh viễn với Bitcoin và các loại tiền điện tử nói chung", Chen Weigang, Tổng giám đốc Ban giám sát các tổ chức tài chính của Uỷ ban điều tiết ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc nói với China News Weekly.
Trên thực tế, Trung Quốc đã cấm tất cả dịch vụ liên quan đến tiền mã hoá từ năm 2013. Lệnh cấm khiến BTCC - sàn giao dịch tiền số đầu tiên của Trung Quốc đặt ở Thượng Hải - phải đóng cửa. Bốn năm sau, Ngân hàng trung ương tiếp tục nhắc lại lệnh cấm này và chặn hơn 110 trang web liên quan đến giao dịch tiền điện tử. Các sàn giao dịch như Binance, Huobi bị siết chặt và phải chuyển hoạt động ra nước ngoài. Mới đây, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc - Weibo - cũng chính thức chặn các từ khoá liên quan đến Bitcoin và tiền mã hoá. Động thái này cho thấy nỗ lực nghiêm túc của chính quyền Bắc Kinh trong việc cấm hoàn toàn Bitcoin và các đồng tiền số nói chung.
"Việc mua bán Bitcoin giờ phải tuân theo những quy định rõ ràng. Trước đây các giao dịch thường được thực hiện dưới danh nghĩa mua bán cá nhân. Bây giờ các khoản thanh toán như vậy cần có đầy đủ bằng chứng như hợp đồng mua bán để đảm bảo đó là một giao dịch kinh doanh thật chứ không phải hoạt động ‘rửa tiền’. Nếu không đáp ứng đủ các yêu cầu, giao dịch được xem là phạm pháp. Việc giám sát các giao dịch sẽ ngày càng khắt khe hơn đối với các nhà đầu tư", Chen Weigang nói.
Khu vực Nội Mông, nơi được xem là "thủ phủ Bitcoin" đã ban hành hàng loạt quy tắc nhằm xoá sổ hoàn toàn các mỏ đào tiền số. Nhiều công ty khai thác Bitcoin lớn như HashCow và BTC.TOP đều thông báo tạm đóng cửa nhà máy để chuyển hoạt động khai thác ra nước ngoài.
"Thực tế chính quyền luôn cấm khai thác Bitcoin, nhưng lần này mọi thứ trở nên căng thẳng hơn. Nhiều mỏ đào Bitcoin, Ethereum đã bị kiểm tra và buộc phải cam kết rời đi. Việc này khiến nhiều chủ trại bối rối vì ngoài Trung Quốc, nhiều người cũng chưa biết phải đi về đâu", một thợ đào tiền số nói với China News Weekly.
Một số thợ đào Bitcoin nhỏ cho rằng khó có thể cấm hoàn toàn việc khai thác tiền số ở Trung Quốc. Lệnh cấm lần này chủ yếu nhắm đến các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, Chen Weigang lưu lý, lệnh cấm với các cá nhân và mỏ đào cỡ nhỏ cũng có thể sớm được ban hành trong tương lai khi chính quyền đã kiểm soát được các công ty lớn.
Theo các nhà phân tích, hai rủi ro lớn nhất với Bitcoin lúc này là việc khai thác tốn quá nhiều điện năng, thải ra lượng carbon lớn và những lo ngại liên quan đến tính pháp lý và khả năng kiểm soát thị trường của chính phủ mỗi nước. Ở Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Âu, cơ quan quản lý vẫn tin rằng Bitcoin sẽ như "bong bóng hoa tulip" tại Hà Lan vào thế kỷ 17 - cuộc khủng hoảng bong bóng đầu cơ tài sản đầu tiên được ghi nhận trên thế giới. "Bitcoin thậm chí không phải một tài sản để đầu tư, nó hoạt động giống như một công cụ để đầu cơ", Chen Weigang nhấn mạnh.
Thiên An (theo China News Weekly)