22 quan chức tại Lhasa, thủ phủ khu tự trị Tây Tạng, tuần qua đối mặt án kỷ luật do sơ suất trong kiểm soát Covid-19. 5 người trong số này bị cách chức, 17 người bị cảnh cáo nghiêm khắc, SCMP ngày 28/8 dẫn lại thông báo của chính quyền địa phương.
Trước đó, giới chức địa khu Sơn Nam, giáp biên với Nepal, thông báo 4 quan chức địa phương bị điều chuyển công tác và hai người bị cách chức vì sai sót trong phòng chống dịch.
Tại địa khu Xigaze, nằm ở phía nam Tây Tạng và là nơi đợt bùng phát Covid-19 hiện tại bắt đầu, 77 quan chức bị kỷ luật trong tháng 8 vì lơ là trong phòng chống dịch, trong số đó 10 người bị sa thải. Hàng chục quan chức khác ở địa phương này được thăng chức vì "thành tích xuất sắc" trong chống dịch.
Tây Tạng ghi nhận 500 ca Covid-19, chiếm gần một nửa trong số 1.300 ca nhiễm trong báo cáo ngày 27/8. Dù số ca nhiễm mới thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia, Trung Quốc vẫn coi đây là đợt bùng phát lớn và triển khai các biện pháp nghiêm ngặt nhằm nhanh chóng dập dịch như phong tỏa, truy vết tiếp xúc và xét nghiệm diện rộng.
Ngoài Tây Tạng, khu tự trị Tân Cương và đảo Hải Nam là các điểm nóng khác trong đợt bùng phát này. Giới chức tỉnh Hải Nam áp lệnh phong tỏa từ 6/8, khoảng 80.000 du khách bị mắc kẹt trên hòn đảo. 6 quan chức ở đảo Hải Nam bị kỷ luật, trong đó có bí thư quận Cát Dương thuộc thành phố Tam Á bị cách chức ngày 16/8.
Giới chức Tây Tạng và Hải Nam đều cho biết các quan chức bị kỷ luật vì "thiếu lập trường chính trị", "thực hiện không đầy đủ công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh", "quan liêu, bệnh hình thức nghiêm trọng, thực thi nhiệm vụ không hiệu quả và lơ là nhiệm vụ".
Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách "Không Covid", các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt được đánh giá cho thấy đây vẫn là mục tiêu hàng đầu của nước này.
"Kỷ luật diện rộng là lời nhắc nhở rõ ràng cho quan chức địa phương Trung Quốc rằng ưu tiên hàng đầu hiện nay là gì", theo Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)