Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh ngày 16/9 cho biết các lệnh trừng phạt áp đặt lên lãnh đạo công ty Boeing Defense Ted Colbert và lãnh đạo công ty Raytheon Gregory Hayes nhằm đáp trả thỏa thuận bán thiết bị quân sự của Mỹ cho đảo Đài Loan hôm 2/9.
Bà Mao không nói rõ các lệnh trừng phạt sẽ được thực thi thế nào và tác động ra sao đến hai công ty Mỹ, cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp này.
Boeing Defense và Raytheon không bán sản phẩm quốc phòng cho Trung Quốc. Tuy nhiên, tập đoàn Boeing, công ty mẹ của Boeing Defense, và Raytheon đều có các công ty con tại Trung Quốc.
"Trung Quốc một lần nữa kêu gọi chính phủ Mỹ và các thực thể liên quan ngừng bán vũ khí cho đảo Đài Loan cũng như dừng tiếp xúc quân sự với hòn đảo", phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.
Phát ngôn viên Raytheon chưa lên tiếng về thông tin. Boeing Defense cũng chưa bình luận về lệnh trừng phạt của Trung Quốc, công ty này ngày 15/9 cho biết họ có kế hoạch tiếp thị lại một số máy bay vốn định dành cho các hãng hàng không Trung Quốc.
Boeing Defense và Raytheon là hai trong số các nhà thầu chính trong thương vụ bán vũ khí Mỹ cho đảo Đài Loan mới nhất, gồm 60 tên lửa chống hạm và 100 tên lửa không đối không.
Lầu Năm Góc cho biết gói hỗ trợ dành cho Đài Loan được công bố ngày 2/9 sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự cơ bản trong khu vực. Giới chức Mỹ cũng khẳng định số vũ khí này không thể hiện bất cứ thay đổi nào trong chính sách của Washington với đảo Đài Loan.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần. Mỹ cam kết tôn trọng nguyên tắc "Một Trung Quốc", nhưng tiếp tục duy trì quan hệ với Đài Loan và cung cấp cho hòn đảo các loại khí tài hiện đại.
Căng thẳng xung quanh Đài Loan leo thang sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm hòn đảo ngày 2-3/8. Trung Quốc phản ứng gay gắt bằng cách tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn chưa từng có tại 6 khu vực quanh Đài Loan và áp lệnh trừng phạt bà Pelosi.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)