"Thứ trưởng Ngoại giao Tôn Vệ Đông đã triệu tập Đại sứ Nhật Bản Hideo Tarumi để giao thiệp nghiêm khắc, liên quan việc chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ bắt đầu xả thải nước nhiễm xạ ra biển", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm nay.
Theo cơ quan này, ông Tôn đã bày tỏ sự lo ngại và phản đối của Trung Quốc với kế hoạch của Nhật Bản, cảnh báo Bắc Kinh sẽ "có biện pháp cần thiết để bảo vệ môi trường biển, an toàn thực phẩm và sức khỏe người dân".
Bắc Kinh kêu gọi Tokyo "dừng hành động sai trái" và "hủy bỏ kế hoạch", ông Tôn nói.
Đại sứ Tarumi cảm thấy "đáng tiếc" khi Trung Quốc đưa ra những tuyên bố "không dựa trên cơ sở khoa học", nhưng khẳng định Tokyo sẵn sàng duy trì liên lạc với Bắc Kinh ngay cả sau khi việc xả thải bắt đầu, theo đại sứ quán Nhật Bản ở Trung Quốc.
Động thái diễn ra sau khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm nay thông báo nước này sẽ bắt đầu xả hơn một triệu tấn nước phóng xạ đã qua xử lý ra đại dương từ ngày 24/8, nếu điều kiện thời tiết cho phép. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói "đại dương là tài sản chung của nhân loại, không phải nơi Nhật Bản tự ý xả nước nhiễm xạ".
Park Ku-yeon, quan chức Văn phòng Điều phối Chính sách chính phủ Hàn Quốc, cho biết Seoul không phát hiện có vấn đề về khoa học hay kỹ thuật trong kế hoạch xả thải của Tokyo. Ông Park nêu rõ Hàn Quốc không phản đối, nhưng cũng không ủng hộ động thái.
Phe đối lập tại Hàn Quốc có quan điểm ngược lại. "Một khi nước thải phóng xạ được xả ra đại dương, mọi thứ sẽ không bao giờ có thể đảo ngược. Những ảnh hưởng đến đại dương và các thế hệ tương lai sẽ kéo dài mãi mãi. Hành động đó phải bị ngăn lại", Lee Jae-myung, lãnh đạo đảng Dân chủ Hàn Quốc, nói.
Nhật Bản tháng 3/2011 hứng chịu thảm họa kép động đất và sóng thần, khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị ảnh hưởng. TEPCO, đơn vị vận hành nhà máy, phải xử lý hàng trăm bể chứa 1,34 triệu tấn nước ô nhiễm dùng để làm mát lò phản ứng.
Năm 2021, giới chức Nhật Bản bắt đầu lên kế hoạch xả dần nước thải đã qua xử lý xuống biển. Tokyo cho biết nước thải phóng xạ sẽ trải qua hệ thống lọc để loại bỏ các đồng vị phóng xạ, chỉ để lại tritium, một trong hai đồng vị phóng xạ của hydro. Dù tritium độc hại, nó vẫn tồn tại trong tự nhiên và các chuyên gia cho biết lượng tritium trong môi trường sẽ cực nhỏ do hòa lẫn với nước biển.
Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hồi tháng 7 đánh giá kế hoạch xả nước phóng xạ ra đại dương của Nhật Bản đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Cơ quan này cho rằng việc xả thải dần dần, có kiểm soát sẽ có tác động phóng xạ không đáng kể đến con người và môi trường.
Như Tâm (Theo AFP, Kyodo News)