Trong một video đăng lên mạng xã hội Twitter ngày 8/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump, người vừa trở lại Nhà Trắng hôm 5/10 sau ba ngày điều trị Covid-19, tuyên bố rằng Trung Quốc "sẽ phải trả giá đắt vì những gì họ làm với thế giới và với chúng ta". Đây là lời đe dọa thứ hai qua video của ông chủ Nhà Trắng trong vòng chưa đầy 24 giờ.
Trước đó, Tổng thống Mỹ cáo buộc đại dịch Covid-19 lan ra toàn cầu chính là "lỗi của Trung Quốc".
Bối cảnh hai thông điệp trên được đưa ra có đôi chút khác biệt, dù cả hai đều diễn ra ở khuôn viên Nhà Trắng, là một phần trong cơn bão tweet của Tổng thống Trump những ngày gần đây nhằm truyền đi thông điệp rằng ông đã trở lại đầy mạnh mẽ.
Trump tiếp tục đòn công kích nhằm vào Bắc Kinh khi xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business tối cùng ngày. "Họ muốn làm tôi vui", ông nói, ám chỉ chính phủ Trung Quốc. "Bởi họ biết rõ rằng tôi là người rất cứng rắn với họ và tôi đã phát ngán vì họ. Tất cả những gì chúng ta phải trải qua, Covid, thứ virus Trung Quốc, đều bắt nguồn từ họ".
Thông điệp của Trump cũng được Phó tổng thống Mike Pence hưởng ứng trong cuộc tranh luận giữa ông với đối thủ đảng Dân chủ Kamala Harris tối 7/10.
"Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về Covid-19 và Tổng thống không hài lòng về điều đó. Ông đã nói rất rõ ràng và hôm nay sẽ nói rõ một lần nữa", Phó tổng thống Pence nhấn mạnh. "Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không trung thực với người Mỹ. Họ không để các nhân viên của chúng ta đến Trung Quốc lấy thông tin về nCoV cho tới tận giữa tháng hai".
Ông cho biết Tổng thống Trump sẽ tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc, nước "đã lợi dụng Mỹ suốt nhiều thập kỷ".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8/10 chưa "hồi đáp" yêu cầu đưa ra bình luận. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng gần như không đề cập tới những lời cảnh báo từ Tổng thống Trump. Global Times, trang tin do People's Daily, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, quản lý, đưa tin về video của Trump nhưng xóa những bình luận về Trung Quốc.
Sự im lặng của Bắc Kinh là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có lẽ không muốn "đổ thêm dầu" vào ngọn lửa căng thẳng đang cháy rực với Mỹ và bị lôi vào một cuộc bầu cử tổng thống vốn đã hỗn loạn vì dịch bệnh, chuyên gia đánh giá.
Các quan chức cấp cao Trung Quốc nhiều lần khẳng định Bắc Kinh sẽ không "khiêu vũ với Mỹ" và sa chân vào con đường dẫn tới một "cuộc Chiến tranh Lạnh mới".
Trong khi đó, các học giả Trung Quốc cũng đề xuất một cách tiếp cận bất đối xứng trước những chính sách hiếu chiến của chính quyền Mỹ nhằm tránh kịch bản đối đầu "ăn miếng trả miếng".
Dù Trump liên tục lặp lại những lời đe dọa nhằm vào Trung Quốc trong hai ngày liên tiếp, giới phân tích nhận định khả năng xảy ra các hành động cực đoan như một chiến dịch quân sự hạn chế là rất thấp.
"Thật khó để xác định Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào", Pang Zhongying, nhà phân tích về quan hệ quốc tế tại Đại học Ocean, Trung Quốc, nhận xét. "Quan hệ Mỹ - Trung khó có thể xấu hơn được nữa nhưng tôi nghĩ khả năng nổ ra xung đột là không có".
Pang thêm rằng việc nhiều quan chức chính quyền và chiến dịch tranh cử của Trump đang nhiễm virus càng giới hạn khả năng ông đưa ra những hành động cực đoan.
Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng Trump có thể coi việc ông bị nhiễm virus là điều rất nghiêm trọng và nó ảnh hưởng tới cách ông nhìn nhận về Trung Quốc.
Theo nhà phân tích về Trung Quốc Michael Hirson tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, việc Trump trở thành nạn nhân của cái mà ông gọi là "virus Trung Quốc" có nguy cơ làm tăng thêm thái độ thù địch đối với Bắc Kinh, đặc biệt nếu ứng viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Joe Biden thắng cử và Trump đổ lỗi cho Trung Quốc về thất bại của mình, khiến ông thúc đẩy những biện pháp cứng rắn hơn chống lại Bắc Kinh trong hai tháng cuối nhiệm kỳ.
"Và tất nhiên, nếu Tổng thống Trump gặp những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe vì nCoV thì sự thù địch đối với Trung Quốc bên trong thành trì của ông gần như chắc chắn sẽ gay gắt và kéo dài hơn", Hirson cho hay.
Trump thông báo dương tính với nCoV vào tuần trước và nhanh chóng nhập viện. Từ đó đến nay, hơn 30 người, gồm các cố vấn hàng đầu của ông và nhân viên Nhà Trắng, đã nhiễm virus.
Từ hồi cuối tháng hai, trước khi dịch bệnh tấn công Mỹ, Trump không ít lần ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vì nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.
Nhưng từ tháng 5, ông bắt đầu "mài nhọn" những đòn công kích nhằm vào Bắc Kinh, gọi nCoV là "virus Trung Quốc". Trong cuộc tranh luận đầu tiên với Biden cuối tháng trước, ông gọi Covid-19 là "đại dịch Trung Quốc".
Shi Yinhong, chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho rằng mối quan hệ hai nước sẽ không xấu đi nhanh chóng.
"Tôi không nhìn thấy sự leo thang căng thẳng đáng kể nào từ những bình luận hôm 7/10, dù Trump có thể đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt hơn về các vấn đề như Biển Đông, Hong Kong hay Tân Cương", Shi nói. "Ông ấy cũng có thể gia tăng ủng hộ ngoại giao đối với Đài Loan hoặc cử các quan chức cấp cao khác tới hòn đảo".
Một lựa chọn khả thi khác là áp đặt nhiều hạn chế thị trường hơn đối với các công ty Trung Quốc kinh doanh tại Mỹ. Những biện pháp như vậy có khả năng tiếp tục được áp đặt cho tới tháng một năm sau, ngay cả khi Trump thất cử. Tuy nhiên, Washington có lẽ vẫn cần thêm thời gian để hiện thực hóa những hành động nhằm buộc Trung Quốc trực tiếp chịu trách nhiệm về đại dịch, ví dụ như yêu cầu Bắc Kinh bồi thường, Shi nhận xét.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)