Người đàn ông họ Li, 49 tuổi, đến từ thành phố Bắc Hải, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, miền nam Trung Quốc, tháng trước nộp đơn lên tòa xin lệnh bảo vệ an toàn cá nhân nhằm ngăn chặn vợ ra tay bạo hành thể xác. Tòa án sau đó đã chấp thuận đề nghị của Li.
Lệnh bảo vệ ở Trung Quốc cấm những người bị kết luận có hành vi bạo lực gia đình liên lạc với nạn nhân hoặc buộc phải chuyển khỏi nhà chung.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng anh Li lo lắng cho sự an toàn của bản thân sau thời gian dài bị người vợ họ Bai bạo hành. Hai người kết hôn vào năm 1997 và được cho là trải qua "mối quan hệ độc hại". Trong hai thập kỷ hôn nhân, Li kể rằng anh bị Bai theo dõi và tấn công liên tục.
Li cho biết anh nộp đơn lên tòa xin lệnh bảo vệ và báo cáo sự việc với cảnh sát địa phương do "không thể chịu đựng thêm". Sau khi cung cấp bằng chứng cùng hồ sơ giám định y tế, cảnh sát khuyên Li nhờ tới sự can thiệp từ tòa án.
Sau khi tòa phê duyệt đề nghị xin bảo vệ của Li, Bai từ chối công nhận phán quyết và xin kháng cáo. Tuy nhiên, đơn của Bai bị tòa bác bỏ vì cô không đưa ra được bằng chứng hợp lý.
Câu chuyện của anh Li sau đó lan truyền khắp mạng xã hội Weibo, tạo ra các cuộc thảo luận rộng rãi về bạo lực gia đình, đặc biệt là quyền của các nạn nhân là nam giới. Đây vốn là điều hiếm khi được đề cập ở Trung Quốc.
"Tại sao mọi người cố gắng kích động tranh cãi giữa nam và nữ? Một khi bạo lực gia đình đã xảy ra, giới tính không phải là yếu tố để phân bua", một tài khoản bình luận.
"Tôi muốn nghe xem vợ anh này nói gì", người dùng Weibo khác viết.
Một tài khoản Weibo tự xưng là giáo viên cho biết hoàn toàn ủng hộ thành lập ủy ban bảo vệ quyền lợi của những người đàn ông đã kết hôn.
Tuy nhiên, một số người đổ lỗi cho nạn nhân, tỏ ra hoài nghi về việc anh Li bị bạo hành. "Phải chăng anh này đã ngoại tình? Phụ nữ nói chung vốn bao dung. Hẳn là người chồng này đã phạm rất nhiều sai lầm", một tài khoản bình luận.
Một luật sư ở Quảng Châu cho biết bạo hành nam giới vẫn là vấn đề bị xem nhẹ ở Trung Quốc do định kiến xã hội về bạo lực gia đình và giới tính. "Tỷ lệ bạo lực gia đình do phụ nữ gây ra thấp hơn so với các vụ bạo lực gia đình do nam giới gây ra, nhưng không có nghĩa là nó không tồn tại", luật sư khẳng định.
"Xã hội của chúng ta như thể đánh giá vấn đề từ quan điểm của phụ nữ và luôn tìm kiếm bằng chứng cho thấy đàn ông sai, ngay cả khi họ là nạn nhân. Đôi khi chính người đàn ông không nhận thức được việc mình bị nữ giới lạm dụng bằng lời nói, bạo hành hay hạn chế các quyền tự do cá nhân", luật sư nói thêm.
Luật sư khẳng định dù là nam hay nữ, thủ phạm gây ra bạo lực gia đình đều phải bị ngăn chặn và trừng phạt. Luật Chống bạo lực gia đình của Trung Quốc, được thông qua vào năm 2016, quy định rằng mọi công dân đều có quyền xin tòa phê duyệt các lệnh bảo vệ an toàn cá nhân. Theo quy định trong Bộ luật Dân sự Trung Quốc, bạo lực gia đình là lý do hợp pháp để ly hôn.
Năm 2021, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc công bố bản báo cáo cho thấy các tòa án khắp cả nước giai đoạn năm 2016 - 2020 đã phê duyệt 7.918 đơn xin lệnh bảo vệ khỏi bạo hành gia đình.
Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc và Cục Thống kê Quốc gia năm 2018 đưa ra báo cáo cho thấy 22,9% phụ nữ và 19,9% nam giới nước này từng chịu bạo lực gia đình.
Năm 2021, Trung tâm Khoa học Sức khỏe thuộc Đại học Bắc Kinh đưa ra khảo sát về bạo lực gia đình ở 7 tỉnh với 2.810 gia đình. Kết quả cho thấy 26,1% phụ nữ được khảo sát thừa nhận có hành vi bạo lực với chồng, trong khi 27,8% nam giới cho biết họ bị bạo lực gia đình.
Ngọc Ánh (Theo SCMP)